Thị trường ô tô năm 2020: Cán đích an toàn nhờ chủ động ứng phó khó khăn

Thị trường ô tô Việt Nam trải qua một năm nhiều biến động khi chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhưng kết quả kinh doanh toàn năm lại hết sức khả quan nhờ chiến lược ứng phó phù hợp và những biện pháp hỗ trợ đầy hiệu quả từ chính phủ.

Thoát nguy cơ “vỡ trận”

Theo số liệu tổng kết năm 2020 do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), TC Motor (Hyundai) và một số nhà sản xuất độc lập khác công bố, thị trường ô tô Việt Nam năm qua tuy sụt giảm mạnh trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hồi tháng 4, nhưng tổng thể duy trì được ổn định, với doanh số không khác biệt nhiều so với năm 2019.  

Cụ thể, tác động của dịch bệnh khiến lượng tiêu thụ ô tô của VAMA trong nửa đầu năm chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, sự bùng nổ trong nửa cuối năm với tổng tiêu thụ trên 200.000 xe đã vãn hồi tình hình. Riêng tháng 12-2020 chứng kiến các thành viên VAMA giao 47.865 xe tới tay khách hàng, góp phần đáng kể vào tổng doanh số 283.983 xe trong toàn năm (giảm 7% so với năm 2019) của hiệp hội.

Con số này cùng với kết quả kinh doanh đầy ấn tượng của TC Motor (bán ra 81.368 xe Hyundai) và các thương hiệu không phải thành viên VAMA (không công bố cụ thể số liệu) như Subaru, Mercedes-Benz, Audi, Volvo... cho thấy lượng xe ô tô tiêu thụ tại Việt Nam trong năm 2020 không hề thua kém năm 2019 (khoảng gần 400.000 xe). 

Kết quả này trước hết là nhờ nỗ lực phòng, chống dịch bệnh đầy quyết liệt của chính phủ đã tạo sự ổn định cần thiết cho thị trường. Trong bối cảnh khó khăn, các nhà sản xuất cũng đã nhanh chóng có những biện pháp ứng phó cần thiết, không chỉ qua kích cầu như ưu đãi, giảm giá, mà còn chuyển đổi mô hình tiếp cận khách hàng. Tới nửa cuối năm 2020, chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho các dòng xe lắp ráp trong nước được chính phủ công bố đã tạo sức bật cần thiết để vực dậy thị trường ô tô vốn đang ảm đạm. 

Sao đổi ngôi trong nhiều phân khúc

Tuy ngôi vương năm 2020 vẫn thuộc về Toyota Vios với 30.251 xe bán ra - vượt xa đối thủ chính ở vị trí số hai là Hyundai Accent (20.776 xe), nhưng thực tế, thị trường ô tô năm 2020 chứng kiến nhiều biến động về doanh số và sản phẩm. 

Bất ngờ lớn nhất nằm ở việc Hyundai i10 (17.569 xe) bị “lính mới” VinFast Fadil (18.016 xe) đánh bại, dù cả hai mẫu đều được hưởng ưu đãi về phí trước bạ dành cho xe lắp ráp trong nước. Thành tựu mà Fadil đạt được góp phần đưa VinFast lên vị trí thứ năm trong nhóm 10 nhà sản xuất bán xe chạy nhất năm vừa qua, với doanh số 29.458 chiếc. 

Bí quyết của chiếc hatchback cỡ nhỏ VinFast nằm ở chương trình ưu đãi hạng nặng, trong đó có cả giảm giá và trả góp miễn lãi vay hai năm đầu giúp nhiều khách hàng mới mua xe lần đầu hoặc tài chính eo hẹp có cơ hội tiếp cận mẫu xe rẻ nhất trong danh mục sản phẩm.

Cùng với đó, các đối thủ khác trong phân khúc A đều thi đấu yếu đuối. Wigo hầu như không tạo ra khác biệt nào bất chấp việc ra mắt sản phẩm mới từ tháng 7-2020. Về phần mình, KIA Morning thế hệ 2021 cũng đã kịp có mặt trên thị trường trước khi năm 2020 kết thúc, nhưng sự muộn mằn và cấu hình không lấy gì làm nổi bật khiến mẫu xe đình đám một thời này hoàn toàn “chìm nghỉm”. 

Ngoài Fadil, Suzuki XL7, KIA Seltos, Toyota Corolla Cross đều có đột phá doanh số, nhưng do xuất hiện khá muộn nên chưa tạo ra điểm nhấn trong kết quả kinh doanh toàn năm 2020. 

Người Việt ưa chuộng xe gầm cao đô thị

Năm 2020 cũng là thời điểm thị hiếu người tiêu dùng trong nước có nhiều thay đổi, thể hiện qua sự lên ngôi của các dòng xe đô thị với gầm cao, nổi bật là xe đa dụng (MPV), các dòng SUV/crossover cỡ vừa và nhỏ. Điều này thể hiện rõ nét qua việc danh sách 10 xe bán chạy nhất thị trường có tới một nửa thuộc nhóm này. Để gia tăng lựa chọn cho khách hàng nhằm mở rộng thị phần, các nhà sản xuất cũng liên tục bổ sung sản phẩm. Hệ quả là, KIA Seltos, Peugeot 2008, MG ZS 2021, Toyota Corolla Cross... đã đồng loạt ra mắt trong năm vừa qua.  

Về phần mình, xe đa dụng (MPV) từng được coi là phương tiện làm ăn, dần trở thành lựa chọn được người dùng gia đình ưa chuộng. Điều này cũng dẫn tới những nhu cầu rất khác biệt về ngoại hình, trang bị, giá bán.

Thích ứng kịp thời với thay đổi này giúp Mitsubishi Xpander (16.844 xe) tiếp tục vượt Toyota Innova (5.423 xe) với chênh lệch hơn 10.000 xe bán ra, tiếp tục giữ ngôi vương trong phân khúc xe đa dụng. 

Không chỉ chậm chân với Innova, việc chuyển mình thiếu quyết đoán còn khiến Toyota mất cơ hội chiếm lĩnh thị phần ở một số phân khúc quan trọng. Chiếc Corolla Cross được đưa về nước khá muộn (tháng 10-2020) nên dù liên tục cháy hàng với doanh số vượt kỳ vọng trong quý cuối năm vẫn không thể giúp hãng xoay chuyển tình hình.

Đây cũng là lý do khiến thương hiệu Nhật Bản tuy bán được 72.136 xe (bao gồm cả Lexus) trong năm 2020 nhưng vẫn để mất ngôi vị số 1 về doanh số tại Việt Nam vào tay đối thủ Hàn Quốc Hyundai với bộ ba “gầm cao” hùng mạnh là Santa Fe, Tucson và Kona - đều là các mẫu xe dẫn đầu doanh số trong phân khúc. 

Bước vào năm 2021, thị trường ô tô Việt Nam đứng trước nhiều thuận lợi khi các hãng đều có danh mục sản phẩm đa dạng, được hưởng chính sách hỗ trợ thuận lợi và môi trường kinh doanh ổn định... Nhiều thương hiệu mới gia nhập hoặc quay lại, từ những “ông lớn” toàn cầu như Jeep, Renault, Rolls-Royce... cho tới các thương hiệu Trung Quốc như BAIC, SAIC (MG)..., mang tới cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn phong phú, hứa hẹn thúc đẩy sức tăng trưởng toàn thị trường trong năm mới.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục