Cụ thể, tổng cộng đã có 30.254 xe các loại tới tay người tiêu dùng, tăng 20% so với tháng 6 và tăng 88% so với tháng 7-2021.
Trong đó, nhóm xe du lịch (xe con) tăng 30% về doanh số. Lượng xe lắp ráp trong nước được tiêu thụ cũng tăng 25% so với tháng 6, đạt 13.579 xe. Mức tăng trưởng của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 17%, đạt 16.495 xe.
Như vậy, có thể khẳng định, thị trường ô tô trong nước đã vượt đáy của năm 2022. Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng lượng bán hàng toàn thị trường đạt tổng cộng 232.094 xe các loại, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xe du lịch tăng 57% (đạt hơn 181.000 xe), xe thương mại đạt khoảng 47.445 xe (giảm 0,5%) và xe chuyên dụng tăng 3%, đạt 3.630 xe.
Nhìn về tương lai, một số doanh nghiệp dự báo lượng xe bán ra trong tháng 8 có thể vẫn bị kìm hãm vì một số nguyên nhân. Tuy nhiên, hầu hết tin tưởng thị trường đang bước vào giai đoạn khởi sắc kéo dài tới hết năm.
Lý do đầu tiên là, so với những năm trước, tác động của “tháng ngâu” năm nay tới việc mua sắm mờ nhạt hơn. Người tiêu dùng lúc này có nhiều mối lo khác trong bối cảnh nguồn cung xe trên thị trường eo hẹp, như khả năng nhận được xe đúng ý muốn và sớm nhất.
Thứ hai, trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước đi vào ổn định, nguồn cung xe nguyên chiếc cũng như linh, phụ kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp xe trong nước đều từng bước phục hồi, mở ra cơ hội tăng trưởng cho thị trường ô tô trong nước. Diễn biến này thực tế đã cởi nút thắt doanh số cho nhiều mẫu ô tô chiến lược, như Toyota Fortuner, Toyota Vios hay Hyundai Santa Fe…, đều ghi nhận lượng xe bán ra trong tháng 7 tăng gấp 2-3 lần so với tháng 6.
Đây cũng là lý do khiến nhiều nhà sản xuất mạnh dạn bám sát kế hoạch tung ra các dòng sản phẩm mới - là lý do thứ ba góp phần tạo ra những kỳ vọng tăng trưởng của thị trường ô tô trong nước nửa cuối năm. Thực tế, hiện nay hầu hết các phân khúc ô tô đều có sản phẩm mới, trong khi làn sóng trình làng sẽ còn kéo dài ít nhất là tới Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) vào tháng 10.
Gửi phản hồi
In bài viết