Bên cạnh các giải pháp liên quan đến y tế, tiêm vắc xin…; dữ liệu khoa học, công nghệ ứng dụng là giải pháp then chốt phục vụ phòng, chống dịch, giúp đưa xã hội hoạt động an toàn trong điều kiện “bình thường mới”.
Người dân quét mã QR khi vào mua hàng tại một siêu thị trên địa bàn quận Đống Đa. Ảnh: Đỗ Tâm
Nền tảng, ứng dụng hỗ trợ đắc lực cho truy vết
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã giới thiệu 3 nền tảng bắt buộc áp dụng thống nhất trên toàn quốc là: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra địa điểm công cộng sử dụng mã QR; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; nền tảng quản lý tiêm chủng phòng Covid-19.
Tính đến ngày 28-9, trên toàn quốc, nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra sử dụng mã QR đã có thêm hơn 100.000 địa điểm đăng ký kiểm soát thông tin; hơn 1,7 triệu địa điểm đăng ký kiểm soát thông qua mã QR. Nền tảng quản lý tiêm chủng có gần 39,8 triệu mũi tiêm cập nhật (trong tổng số trên 40,2 triệu mũi đã tiêm), đạt tỷ lệ 98,96%. Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến được 18/63 tỉnh, thành phố triển khai (28/63 tỉnh, thành phố đang chuẩn bị triển khai), hỗ trợ 4,3 triệu lượt người lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm qua ứng dụng Bluezone cho 1,28 triệu lượt người.
Theo đánh giá của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian qua, Hà Nội là địa phương triển khai ứng dụng công nghệ, khai thác hiệu quả các nền tảng, ứng dụng vào phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, từ khai báo của 13.579 trường hợp ho, sốt qua ứng dụng công nghệ, Hà Nội đã xác định 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (chiếm tỷ lệ 0,7%). Qua khâu truy vết tiếp xúc, tiếp tục xét nghiệm các trường hợp liên quan, đã phát hiện thêm 691 ca mắc. Nhờ ứng dụng công nghệ, tổng số F0 phát hiện được từ hoạt động giám sát người có triệu chứng nghi ngờ chiếm gần 40% số ca mắc ghi nhận của toàn thành phố.
Còn theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm, Hà Nội đã triển khai xuyên suốt 3 nền tảng của Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện. Cùng với các biện pháp về y tế, quản lý giãn cách xã hội, việc triển khai các nền tảng, ứng dụng công nghệ là một trong những biện pháp rất quan trọng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.
Đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tiễn
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, trong bối cảnh dịch Covid-19, rất nhiều ứng dụng, nền tảng số đã được phát triển chỉ trong thời gian rất ngắn, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, giúp doanh nghiệp, người dân duy trì hoạt động. Riêng phục vụ phòng, chống dịch, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ Y tế đã xác định 3 nền tảng: Khai báo y tế điện tử và quản lý vào/ra địa điểm công cộng sử dụng mã QR; hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; quản lý tiêm chủng phòng Covid-19 và 2 ứng dụng: Sổ sức khỏe điện tử, Bluezone, được triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Để người dân sử dụng thuận tiện, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng thống nhất dùng chung một ứng dụng chính thức về phòng, chống dịch. Chỉ trong thời gian ngắn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giao Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 xây dựng, phát triển và ngày 30-9 đã ra mắt “Ứng dụng phòng, chống Covid-19” (PC Covid). Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 Nguyễn Tử Quảng cho biết, PC Covid được thiết kế để thay thế và tích hợp các ứng dụng đang được triển khai như: Bluezone, NCOVI, VneID, tokhaiyte, khai báo mã QR…
Ngoài ra, nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ cũng được phát triển, sử dụng có hiệu quả trong thời gian Covid-19 diễn biến phức tạp. Mới đây, chiều tối 2-9, từ phòng làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua hệ thống trực tuyến với toàn bộ 2.594 điểm cầu xã, phường, thị trấn của 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là hệ thống họp trực tuyến đầu tiên phục vụ Thủ tướng kiểm tra, chỉ đạo, điều hành trực tiếp xuống các “pháo đài”, giúp công tác phòng, chống dịch Covid-19 được nhanh chóng, kịp thời đến các vùng dịch có diễn biến phức tạp.
Hay như ứng dụng Telehealth (khám, chữa bệnh từ xa tích hợp công nghệ thông tin) cũng đã được ngành Y tế sử dụng trong điều trị bệnh nhân Covid-19 và mang lại hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, nền tảng học và thi trực tuyến VNPT E-Learning giúp ngành Giáo dục và Đào tạo triển khai hiệu quả công tác giáo dục đào tạo trong thời gian qua...
Các ứng dụng khoa học, công nghệ được phát triển thời gian qua đã góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời cho thấy khả năng rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp số Việt Nam. Việc đưa vào sử dụng những ứng dụng, nền tảng số với việc liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, không chỉ nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch, mà còn được coi là "cú hích" để thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng xã hội số, kinh tế số trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết