Cán bộ Agribank tỉnh đến trực tiếp các hộ kinh doanh giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua, thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tăng cả về số lượng giao dịch và giá trị so với những năm trước nhờ các giải pháp thiết thực, hiệu quả. Ngành ngân hàng Phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ triển khai thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; cơ sở hạ tầng kỹ thuật hệ thống thông tin, kết nối dữ liệu ngày càng hoàn thiện, các giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại và dịch vụ công, các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động.
Thành phố Tuyên Quang là trung tâm của tỉnh, có hoạt động giao thương, kinh doanh, buôn bán sầm uất, nhộn nhịp nhất, người dân đã sớm bắt nhịp cùng chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua tìm hiểu thực tế tại chợ Tam Cờ và các cửa hàng kinh doanh, buôn bán trên địa bàn thành phố, thì các tiểu thương và các chủ cửa hàng đều hài lòng khi tiếp cận và sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Không chỉ người bán, người mua cũng đã có những trải nghiệm thiết thực, thú vị khi đi chợ thời 4.0. Chị Nguyễn Thị Nhung, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Bây giờ, những cửa hàng buôn bán rau, thịt, quần áo, tạp hóa đều đã thực hiện số hóa trong thanh toán. Vì vậy, khi đi chợ tôi chỉ mang theo ít tiền mặt, đa số là chuyển khoản. Ngoài ra, nhờ các tiện ích của công nghệ số, tôi còn thanh toán các hóa đơn dịch vụ thiết yếu hằng ngày như tiền điện, tiền nước, mua sắm. Phương thức thanh toán này không khó, chỉ cần điện thoại được kết nối wifi, mạng 3G, 4G”.
Về phía các ngân hàng không ngừng nỗ lực chuyển đổi để bắt nhịp xu thế. Điển hình như ngân hàng VietinBank đã tích cực số hóa sản phẩm dịch vụ mang đến hệ sinh thái số toàn năng. Ứng dụng VietinBank iPay Mobile “All in one” với hơn 150 tính năng đã thu hút hơn 6,5 triệu khách hàng sử dụng với gần 120 triệu giao dịch/tháng, tăng trưởng 150% qua mỗi năm, qua đó góp phần giảm áp lực giao dịch tại quầy. VietinBank iPay Mobile không chỉ là ứng dụng ngân hàng số mà còn là hệ sinh thái số, kết nối tới hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, cung cấp mọi nhu cầu đời sống hàng ngày của khách hàng. Vietinbank Tuyên Quang đã đề xuất với Trụ sở chính Vietinbank về việc xây dựng phần mềm theo dõi doanh số thanh toán đối với các điểm thanh toán VietQR.
Nhân viên Ngân hàng LPBank Tuyên Quang tư vấn, giới thiệu dịch vụ ngân hàng số tới khách hàng.
Các ngân hàng khác cũng không đứng ngoài cuộc sự phát triển mạnh mẽ của chuyển đổi số. Năm 2003, khi BIDV đưa hệ thống Core Banking SIBS vào vận hành đã tạo nên sự thay đổi lớn tại thời điểm đó, góp phần đưa BIDV trở thành ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Nhưng sau 20 năm vận hành đã có những hạn chế nhất định. Năm 2023, BIDV hoàn thành chuyển đổi ngân hàng lõi với tên gọi Core Banking Profile. Đến nay hệ thống mới đã hoạt động ổn định và đi vào vận hành thông suốt. Sau nâng cấp, việc quản trị, điều hành phát triển các sản phẩm, dịch vụ tính năng trên nền tảng ngân hàng số của BIDV được tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Toàn tỉnh hiện có 9 chi nhánh ngân hàng thương mại và Ngân hàng Chính sách xã hội cùng hệ thống các phòng giao dịch được phân bổ ở trung tâm thành phố và các huyện góp phần thúc đẩy phát triển sản phẩm dịch vụ ngành ngân hàng. Các ngân hàng đều không ngừng phát triển, đi trước đón đầu cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, hiện đại. Ngân hàng SHB Tuyên Quang đã tham mưu với Hội sở chính SHB về việc lắp đặt máy ATM sử dụng thẻ căn cước công dân.
Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ số của ngành Ngân hàng với nhiều phương thức thanh toán hiện đại, tiện lợi được kết nối liên thông, tích hợp liền mạch, xuyên suốt với các ngành, lĩnh vực khác: Các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số... đều đã được đưa lên hoặc kết nối với ứng dụng di động của các ngân hàng.
Thời gian tới ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; mở rộng thêm các mạng lưới, thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch, “một cửa” tại các cơ quan Nhà nước để phục vụ thanh toán qua ngân hàng…
Gửi phản hồi
In bài viết