Bức ảnh cho thấy sức tàn phá kinh hoàng của động đất tại Hatay (Thổ Nhĩ Kỳ).
Cùng với đó, Bộ trưởng Giáo dục quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ Mahmut Ozer cho biết, hệ thống giáo dục ở Thổ Nhĩ Kỳ tạm dừng cho đến ngày 13-4. Trong khi đó, Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Kasapoglu thông báo, tất cả các sự kiện thể thao quốc gia ở nước này bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.
Theo số liệu chính thức, trận động đất 7,8 độ richter và hàng trăm dư chấn đã khiến ít nhất 4.300 người thiệt mạng tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong bối cảnh các lực lượng cứu hộ đã làm việc xuyên màn đêm dưới tiết trời lạnh giá.
Giải cứu một cô bé bị mắc kẹt từ tòa nhà đổ sập do rung chấn tại Jandaris (Syria).
Cụ thể, cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận ít nhất 2.921 người thiệt mạng, 15.384 người bị thương. Tại Syria, các đơn vị cứu nạn đã xác nhận 1.450 người thiệt mạng. Đáng chú ý, nhiều trường hợp nạn nhân động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là công dân Syria, bởi Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) là một trong những điểm tiếp nhận người tị nạn lớn nhất do Liên hợp quốc điều phối.
Trước diễn biến nhanh và phức tạp tại hai nước, các quốc gia tiếp tục thúc đẩy hoạt động hỗ trợ. Iran – quốc gia láng giềng có kinh nghiệm ứng phó động đất trong khu vực – đã cử 8 đội hỗ trợ tới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, mang theo thực phẩm, thuốc men và lều. Về phần mình, các nước Vùng Vịnh cũng cam kết sẽ viện trợ cho hai quốc gia gánh chịu động đất. Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) đã gửi nhiều đội cứu nạn, kèm theo bệnh viện dã chiến tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhân lực cứu hộ và vật tư hỗ trợ tập trung tại sân bay Zurich (Thụy Sĩ) chuẩn bị lên máy bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Mỹ cũng đã gửi hai đội cứu hộ đô thị 79 người tới Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết đang cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tiếp theo. Tại châu Âu và châu Á, nhân lực và vật tư hỗ trợ hai quốc gia Nam Á cũng đã tập trung dày đặc ở các sân bay quốc tế, sẵn sàng lên đường.
Tiên lượng về diễn biến vụ việc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo, số người thiệt mạng có thể cao hơn số nạn nhân của trận động đất lịch sử gần Istanbul vào năm 1999, khiến 17.000 người thiệt mạng. Trong những giờ tới, con số có thể tăng nhanh bởi khung thời gian giải cứu nạn nhân sống sót đang khép lại dần.
Các lực lượng cứu hộ đã làm việc xuyên màn đêm trong nỗ lực đưa càng nhiều người mắc kẹt ra ngoài càng tốt trước khi quá muộn.
Trước thực tế trên, nhiều tổ chức nhân đạo quan ngại về một “thảm họa nhân đạo” trong khu vực, nhất là trong bối cảnh thế giới đang đối mặt nhiều phức tạp về xung đột và kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết