Tổng thống Israel Isaac Herzog (bên trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại cuộc gặp nhằm bình thường hóa quan hệ song phương.
Tân Đại sứ được Thổ Nhĩ Kỳ bổ nhiệm tại Israel là nhà ngoại giao kỳ cựu Sakir Ozkan Torunlar - người từng giữ chức Tổng lãnh sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Jerusalem giai đoạn 2010-2014 phụ trách vấn đề người Palestine. Trước đó, Bộ Ngoại giao Israel đã bổ nhiệm ông Irit Lillian làm Đại sứ của nước này tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này chính thức khẳng định hai bên đã khôi phục hoàn toàn quan hệ ngoại giao sau 10 năm “đóng băng”.
Nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai quốc gia liên tục lao dốc bắt nguồn từ vụ lính biệt kích Israel tấn công tàu cứu trợ Mavi Marmara của Thổ Nhĩ Kỳ trên đường tới Gaza làm nhiều người thiệt mạng vào năm 2010. Đến năm 2016, quan hệ ngoại giao giữa hai nước được nối lại với việc mỗi bên đều cử đại sứ tới nước còn lại. Tuy nhiên, năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ lại triệu hồi các nhà ngoại giao của nước này và trục xuất các đại diện ngoại giao của Israel khi các lực lượng Israel sát hại một số người Palestine tại dải Gaza.
Quan hệ giữa hai bên một lần nữa “đảo chiều” từ năm 2021. Dưới sự dẫn dắt của Chính phủ liên minh đảng Yamina và Yesh Atid, nhiều chuyến thăm, điện đàm cấp cao giữa hai bên đã diễn ra. Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Israel Yair Lapid đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề cuộc họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa một Thủ tướng Israel và nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2008.
Phía Israel nhấn mạnh, việc nối lại quan hệ song phương với Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định khu vực và là thông tin kinh tế rất tích cực cho người dân Israel, góp phần thúc đẩy liên kết giữa người dân hai nước, mở rộng các mối quan hệ kinh tế, thương mại, văn hóa, và củng cố an ninh khu vực. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng xác nhận quyết định khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel, song khẳng định quyết định này không đồng nghĩa rằng ngừng ủng hộ người Palestine. Thổ Nhĩ Kỳ không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và vẫn đặt Đại sứ quán tại Tel Aviv.
Theo giới phân tích, những diễn biến hiện nay trong khu vực là đòn bẩy hết sức quan trọng để cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận "hạ nhiệt". Nếu để mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục lao dốc, Israel có nguy cơ mất một đối tác quan trọng khi các quốc gia Arab khác ở Trung Đông tỏ ra không mấy thân thiện với nước này vì những chính sách mà Israel áp đặt với Nhà nước Palestine. Israel cũng cần quan hệ tốt đẹp hơn với Thổ Nhĩ Kỳ để đạt các mục tiêu khác. Trong đó, nhờ Thổ Nhĩ Kỳ ngăn chặn các phong trào chống lại Israel của lãnh đạo cấp cao Hamas từ bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, mối quan hệ sứt mẻ giữa nước này với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc đảo chính bất thành của một nhóm binh sĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7-2016 vẫn chưa lành trở lại. Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Syria, Iran lại có thái độ thận trọng trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Điều đó khiến Thổ Nhĩ Kỳ càng cần có những đối tác khác.
Việc cả Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh chính sách kết nối quan hệ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho khu vực Trung Đông. Dư luận kỳ vọng, sắp tới, hai quốc gia sẽ hợp tác tích cực trong việc gắn kết với các nước Arab, trung hòa hơn giữa Nga và các nước phương Tây, đồng thời thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông giữa Israel và Palestine vốn đang lâm vào bế tắc trong nhiều thập kỷ qua.
Gửi phản hồi
In bài viết