Đoàn xe tải được huy động vào thành phố để dọn dẹp đống đổ nát. (Ảnh THÀNH ĐẠT)
Huy động mọi nguồn lực và sự hỗ trợ
Ngay sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động mọi nguồn lực để tiến hành công tác cứu nạn, cứu trợ. Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Việt Nam Haldun Tekneci (H.Téc-nơ-xi) cho biết, cũng giống như đối phó các thảm họa khác, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã huy động mọi phương tiện và khả năng của mình, cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để tiến hành các nỗ lực cứu trợ.
Ngay sau khi xảy ra thảm họa, hơn 230.000 nhân viên tìm kiếm và cứu nạn từ các bộ khác nhau của Thổ Nhĩ Kỳ, các tổ chức như Cơ quan Ứng phó thảm họa và tình huống khẩn cấp (AFAD), Lực lượng hiến binh, nhân viên cứu thương, Sở cứu hỏa, các tổ chức phi chính phủ, các đơn vị an ninh và các nhóm hỗ trợ địa phương cùng đội tìm kiếm và cứu nạn quốc tế và khoảng 4.000 tình nguyện viên đã có mặt tại hiện trường động đất.
Chính quyền địa phương được giao tham gia quản lý các khu vực bị thiên tai để tăng cường sự phối hợp ứng phó. Cho đến nay, khoảng 2 triệu công dân đã được lực lượng hiến binh sơ tán và bằng phương tiện riêng của họ, đăng ký danh sách tại chính quyền địa phương của các thành phố khác. Đại sứ Haldun Tekneci cho biết: "Các cơ quan đại diện của chúng tôi ở nước ngoài tích cực phối hợp các bộ liên quan, AFAD và các cơ quan chức năng địa phương khác trong việc cử và tiếp nhận các đội cứu hộ cùng với các hỗ trợ hiện vật và tài chính. Một số nhân viên của chúng tôi cũng được chỉ định đến khu vực bị ảnh hưởng động đất để điều phối viện trợ quốc tế".
Sự hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế đã góp phần xoa dịu nỗi đau của người dân Thổ Nhĩ Kỳ sau thảm họa động đất. Các đoàn chuyên gia cứu nạn, cứu hộ, các chuyến hàng chở trang thiết bị cứu trợ từ khắp nơi trên thế giới đổ về khu vực xảy ra thảm họa. Sự hỗ trợ quốc tế đã góp phần quan trọng vào nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là đẩy nhanh quá trình tìm kiếm và cứu những người sống sót dưới đống đổ nát.
Theo Đại sứ Haldun Tekneci, bên cạnh hỗ trợ tài chính, cộng đồng quốc tế cũng hỗ trợ một số lượng đáng kể bằng hiện vật. Nhờ những đóng góp này, nhiều sinh mạng được cứu kịp thời và nhu cầu của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi trận động đất được đáp ứng. Đại sứ nhấn mạnh, những diễn biến này đã củng cố niềm tin của chúng ta vào tình đoàn kết và mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với cộng đồng quốc tế giờ đây bền chặt hơn bao giờ hết.
Chúng tôi biết ơn tất cả các quốc gia và người dân của họ vì những nỗ lực của họ. Hiện tại, AFAD và các tổ chức khác đang tập trung hỗ trợ nơi trú ẩn, lương thực và tâm lý sau thảm họa cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Thực hiện sứ mệnh quốc tế cao cả, hai đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Đỗ Sơn Hải, công tác cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân trong thảm họa động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ của Việt Nam nhận được sự đánh giá cao của chính quyền, người dân sở tại và các đội cứu hộ quốc tế. Đại sứ Đỗ Sơn Hải nêu rõ, các nỗ lực và kết quả đạt được của hai đoàn cứu hộ, cứu nạn quốc tế Việt Nam được ghi nhận từ ba phía.
Thứ nhất, đó là sự ghi nhận của chính quyền và người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Thứ hai là sự ghi nhận của những đội cứu hộ quốc tế từ rất nhiều nước. Theo Trung tâm cứu hộ các cấp của Thổ Nhĩ Kỳ, gần 90 quốc gia đã cử các đoàn cứu hộ, cứu nạn đến nước này và thông qua sự hợp tác hỗ trợ giữa các bên, các đội cứu hộ quốc tế đều đánh giá rất cao năng lực của Đoàn Việt Nam.
Thứ ba là sự ghi nhận của chính người dân Việt Nam, đặc biệt là các gia đình có người thân là các chiến sĩ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn này. Đại sứ nhấn mạnh, sự an toàn của hai đoàn đã nói lên tất cả về năng lực của Việt Nam khi tác chiến tại một địa bàn hoàn toàn mới nhiều khó khăn.
Trong những ngày đoàn Việt Nam tham gia sứ mệnh cứu trợ quốc tế tại nơi xảy ra thảm họa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (T.Éc-đô-gan) đã tới Antakya, thủ phủ tỉnh Hatay, để bày tỏ lòng biết ơn các lực lượng cứu hộ, cứu nạn, các đoàn quốc tế, trong đó có Việt Nam, đã hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm, giúp đỡ nạn nhân của trận động đất lịch sử vừa qua.
Khi bắt tay Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Trưởng Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, Tổng thống Erdogan cảm ơn sự hỗ trợ kịp thời, cùng những nỗ lực không mệt mỏi của Đoàn Việt Nam khi hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn sau thảm họa động đất tại nước này.
Cảm ơn tất cả các quốc gia đã viện trợ và hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh, thảm họa động đất một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của tình đoàn kết quốc tế và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ quên tình bạn đó.
Kế hoạch tái thiết
Hàng trăm nghìn nhà dân và công trình kiến trúc đã bị hư hại hoặc đổ sập, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh "màn trời, chiếu đất" sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), trận động đất 7,8 độ richter và các đợt dư chấn xảy ra tại khu vực miền nam Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 2 đã gây thiệt hại hơn 34 tỷ USD, tương đương 4% GDP của nước này năm 2021.
Ước tính này chưa bao gồm các chi phí tái thiết sau động đất, dự đoán có thể nhiều gấp đôi. Cũng theo ước tính của WB, 1,25 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ trở thành người vô gia cư do nhiều tòa nhà bị hư hại, trong đó 53% là nhà ở, còn lại là thiệt hại ở các kết cấu hạ tầng khác như cầu, đường…
Trong khi đó, theo số liệu trong báo cáo do Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ công bố ngày 28/2 vừa qua, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng 5,6% năm 2022, tuy nhiên tăng trưởng dự kiến chậm lại đáng kể, xuống 2,8% năm 2023 do chịu tác động nghiêm trọng của trận động đất tàn phá miền nam nước này. Các tổ chức doanh nghiệp và các nhà kinh tế cho rằng, công tác tái thiết sau động đất có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải chi tới 100 tỷ USD và làm giảm từ 1%-2% tỷ lệ tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Tại một cuộc họp về ứng phó rủi ro ở Istanbul, Tổng thống Erdogan đã công bố kế hoạch tái thiết đất nước sau trận động đất. Theo nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, công tác tái thiết sau trận động đất sẽ tập trung vào việc xây dựng lại các tòa nhà thấp tầng hơn và xây mới trên các nền đất chắc hơn. Ông cho biết, khi xây dựng các khu định cư mới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chuyển hướng các thành phố từ vùng đồng bằng thấp đến vùng núi có bề mặt địa hình vững chắc hơn.
Trong kế hoạch xây dựng các khu định cư mới, Cơ quan Quản lý phát triển nhà ở (TOKI) của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tập trung vào việc xây dựng các tòa nhà cao 3-4 tầng. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhấn mạnh tính cấp bách trong việc tìm nơi ở lâu dài cho những người bị mất chỗ ở do ảnh hưởng của động đất. Thảm họa động đất được cho là lời nhắc nhở về sự an toàn của các tòa nhà, sự cần thiết phải tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống kết cấu hạ tầng, bao gồm cả các công trình công cộng và tư nhân.
Hơn một tháng sau thảm họa động đất, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phối hợp cộng đồng quốc tế tập trung vào các công tác cứu trợ nhân đạo, khôi phục và dần ổn định cuộc sống cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ công bố các dự án để xây dựng lại các thành phố bị hư hại.
Các dự án này sẽ được bắt đầu triển khai ngay sau khi công việc dọn dẹp đống đổ nát hoàn tất để cung cấp nhà ở cho người dân trong thời gian sớm nhất có thể. Mặc dù chặng đường tái thiết khu vực chịu ảnh hưởng động đất còn nhiều gian nan, song với sự đồng lòng đoàn kết của người dân, sự hỗ trợ thiết thực của cộng đồng quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ sớm vực dậy sau cơn địa chấn kinh hoàng.
Gửi phản hồi
In bài viết