Quang cảnh ngày làm việc thứ mười sáu Kỳ họp thứ 7. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Buổi sáng
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung:
(i) Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước)
Tại phiên thảo luận đã có 4 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các đại biểu đánh giá công tác quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực so với các năm trước; đồng thời, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức trong và ngoài nước, nhưng thu ngân sách vượt 28,8% so với dự toán, chi ngân sách cơ bản đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước; chi thường xuyên bằng 59% tổng chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách thấp hơn dự toán Quốc hội giao; nợ công trong giới hạn cho phép, kỷ luật thu, chi ngân sách từng bước được cải thiện.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ khắc phục tình trạng lập, gửi báo cáo quyết toán chậm, những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách và đề nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân vi phạm.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu lực quản lý quyết toán ngân sách nhà nước, chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước.
Có ý kiến đại biểu đề nghị sớm sửa đổi một số nội dung của Luật Ngân sách nhà nước để tiếp tục đổi mới công tác quản lý ngân sách nhà nước và công tác lập báo cáo tài chính nhà nước. Các đại biểu thống nhất đề xuất Quốc hội cho phép quyết toán theo đề nghị của Chính phủ và Kiểm toán nhà nước.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp tổ và ý kiến tại phiên thảo luận hôm nay.
(ii) Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng
Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 đại biểu Quốc hội tranh luận. Các ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 phát triển thành phố Đà Nẵng nhằm đạt mục tiêu các nghị quyết Trung ương đã đề ra, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ chế tự chủ và tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá về phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về: tên gọi của nghị quyết, sự cần thiết, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; phạm vi, giới hạn, nội hàm, cơ chế thực thi, cơ chế kiểm soát trách nhiệm thực hiện chính sách; các chính sách để tổ chức chính quyền đô thị; việc kết thúc thí điểm chính sách; việc thí điểm thực hiện khu thương mại tự do; các chính sách ưu đãi về thử nghiệm có kiểm soát, hỗ trợ các hoạt động: đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, thu hút đầu tư và triển khai hiệu quả lĩnh vực logistics, công nghệ xanh, công nghệ tiên tiến và thu hút các nhà đầu tư, đối tác chiến lược đến với Đà Nẵng và Việt Nam.
Có ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số chính sách đặc thù, đột phá phù hợp cho thành phố Đà Nẵng trên một số lĩnh vực khác; đồng thời, cần có tổng kết việc thực hiện các cơ chế đặc thù để áp dụng cho phù hợp. Nhiều ý kiến đại biểu thống nhất thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 để sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho Đà Nẵng phát triển.
Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ Bảy, ngày 8/6/2024:
Sáng: Từ 08 giờ 00 đến 09 giờ 00: Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Tờ trình và các báo cáo về việc phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung này.
Từ 09 giờ 00: Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Chiều: Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035; Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
* Từ ngày 9/6/2024 đến hết ngày 16/6/2024, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết.
Gửi phản hồi
In bài viết