Covid-19 cũng cho thấy sự thất bại của chúng ta trong việc rút ra bài học từ những trường hợp khẩn cấp về sức khỏe gần đây như SARS, cúm gia cầm, Zika, Ebola và những bệnh khác.
Ông Guterres nêu rõ, dịch bệnh nhắc nhở chúng ta rằng, thế giới vẫn chưa được chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh cục bộ tràn qua biên giới, và bùng phát thành một đại dịch toàn cầu. Covid-19 sẽ không phải là đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt.
Theo ông, các bệnh truyền nhiễm vẫn là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với mọi quốc gia. Khi đối phó với cuộc khủng hoảng y tế này, tất cả các nước cần chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo. Điều này có nghĩa cần tăng đầu tư vào các kế hoạch giám sát, phát hiện sớm và phản ứng nhanh tốt hơn ở mọi quốc gia - đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Đồng thời, cần tăng cường chăm sóc sức khỏe ban đầu ở cấp địa phương để ngăn chặn sự sụp đổ của các hệ thống y tế; cần bảo đảm quyền tiếp cận công bằng với các can thiệp mang tính sống còn như vắc xin cho tất cả mọi người; và cần đạt được bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trên hết, điều đó có nghĩa là xây dựng đoàn kết toàn cầu để mang lại cho mọi quốc gia cơ hội chiến đấu để chặn đứng các bệnh truyền nhiễm.
Ông Guterres cảnh báo, một đợt bùng phát ở bất cứ đâu có thể sẽ trở thành một đại dịch lan rộng ra ở khắp mọi nơi. Ông nhấn mạnh, vào Ngày Quốc tế phòng, chống dịch năm nay, các nước hãy dành sự tập trung, chú ý và đầu tư xứng đáng cho vấn đề này.
Ngày 27-12-2020, lần đầu tiên, Liên hợp quốc tổ chức kỷ niệm Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh - một sáng kiến của Việt Nam - nhằm kêu gọi sự ủng hộ của thế giới với tầm quan trọng của việc phòng ngừa và sẵn sàng hợp tác chống lại dịch bệnh.
Gửi phản hồi
In bài viết