Các Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Văn Yên đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các vụ chức năng của Ban Nội chính Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương trả lời câu hỏi của báo chí. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến tích cực
Thông báo tóm tắt kết quả Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, có 8 kết quả nổi bật mà Ban Chỉ đạo đã thống nhất, nhìn nhận đánh giá. Đó là Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, qua đó tạo khí thế mới, quyết tâm mới trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cũng như rút ra được những bài học kinh nghiệm quý, vấn đề mang tính lý luận phục vụ cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trung ương đã thông qua, quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tạo ra sự thống nhất đồng bộ, "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên.
Ban Chỉ đạo đánh giá, trong 6 tháng qua, nhiều quy định mới về công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được ban hành, quán triệt, triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, giám sát được đẩy mạnh, giúp chủ động phát hiện từ sớm, từ xa và xử lý nghiêm minh, đồng bộ các vi phạm của các tổ chức Đảng, đảng viên sai phạm. Ban Chỉ đạo đã thành lập 8 đoàn công tác với số lượng trên 100 thành viên, kiểm tra công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở 29 tổ chức Đảng từ Trung ương đến địa phương.
Ban Chỉ đạo thống nhất đánh giá, việc khởi tố, điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp xảy ra trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, đã có bước đột phá.
Ban Chỉ đạo nhìn nhận, công tác giám định, định giá tài sản tham nhũng, mặc dù còn có những tồn tại, hạn chế song cũng có những bước chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Thường trực Ban Chỉ đạo có hội nghị chuyên đề về vấn đề này vào đầu năm 2022.
Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Chỉ đạo và các thành viên đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, đồng bộ, có nhiều bước khởi sắc, tạo lan tỏa mạnh mẽ quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cơ quan báo chí mở chuyên mục phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ban Chỉ đạo khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực 6 tháng đầu năm tiếp tục được đẩy mạnh, không ngừng, không nghỉ và có bước phát triển mới, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế trong 6 tháng qua cũng được các thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận, thẳng thắn đánh giá. Theo đó, một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch; công tác định giá, xử lý tài sản tham nhũng, việc rà soát những bất cập, vướng mắc trong thực hiện các chính sách, pháp luật còn chậm, quyết tâm chưa cao; công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn còn là khâu yếu; một bộ phận cán bộ, viên chức còn làm việc cầm chừng, sợ sai, nhất là trong lĩnh vực y tế, mua sắm, đấu thầu; tham nhũng, tiêu cực trong một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, có sự cấu kết giữa các cán bộ thoái hóa, biến chất với nhau...
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Thống nhất chủ trương xử lý sai phạm trong đại án Việt Á
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã trao đổi, làm rõ những nội dung báo chí quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Liên quan đến vấn đề người đứng đầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh bị vi phạm kỷ luật Đảng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết, quy định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được xây dựng rất công phu, trên cơ sở tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp Trung ương. Các quy định trong văn bản thành lập các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh rất chặt chẽ và được chọn lọc kỹ càng. Các thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh nếu có phát hiện vi phạm, chắc chắn sẽ không được bố trí sắp xếp là thành viên Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên cho biết thêm, Ban Nội chính Trung ương với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương sắp tới sẽ tổ chức hội nghị đánh giá việc thành lập và hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Làm rõ hơn tiêu chí, tiêu chuẩn về cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh, các cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo là những cán bộ hội đủ tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu và với trường hợp cán bộ trong Ban Chỉ đạo sai phạm sẽ bị xem xét đưa ra khỏi Ban Chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Trả lời câu hỏi của báo chí về vụ án sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, hay còn gọi là vụ Việt Á, cho thấy tham nhũng diễn ra trên diện rộng, Ban Chỉ đạo có thảo luận, nhận diện các lỗ hổng pháp lý, bộ máy, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nhấn mạnh, vụ án Việt Á là một vụ án điển hình về tham nhũng, tiêu cực, xảy ra từ cấp Trung ương đến tận cấp cơ sở. Vụ án xảy ra trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các cán bộ vi phạm trong vụ án là những cán bộ y tế tuyến đầu, nhưng đã để xảy ra một vụ án tham nhũng, tiêu cực quy mô lớn chưa từng có.
Cho đến nay, các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương điều tra, xử lý vụ án, với việc khởi tố 25 vụ án, 95 bị can, đồng thời, 62/63 cơ quan điều tra cấp tỉnh đã vào cuộc. Cơ quan chức năng đã có đủ căn cứ kết luận các sai phạm của các bên, cá nhân liên quan và sẽ kiên quyết xử lý trong thời gian tới.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên thông tin, tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đánh giá cao công tác tham mưu và thống nhất chủ trương giải quyết, xử lý vụ án theo hướng kỷ cương, nghiêm khắc, song cũng rất nhân văn, phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm theo 4 cấp độ: Nghiêm trị; xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt; miễn hình phạt; và miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở chủ trương này, Ban Chỉ đạo giao cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện thống nhất trên toàn quốc...
Gửi phản hồi
In bài viết