Các nhà lãnh đạo G20 trong ngày làm việc đầu tiên của hội nghị.
Theo các nhà quan sát, đây là diễn biến khá bất ngờ bởi trước đó, các nước thành viên vẫn giữ lập trường chia rẽ về nội dung liên quan tới xung đột Nga - Ukraine. Các quốc gia phương Tây trước đó thúc đẩy việc lên án mạnh mẽ Nga, trong khi các nước khác yêu cầu tập trung vào các vấn đề kinh tế rộng lớn hơn.
Nội dung của tuyên bố chung kêu gọi tất cả các quốc gia kiềm chế sử dụng vũ lực, duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định.
Tuyên bố 37 trang cũng tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và đã đưa ra kế hoạch hành động phù hợp.
Các nhà lãnh đạo G20 cho rằng, mỗi năm, thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng và kêu gọi tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá.
Các nước G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương cải cách nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đồng thời chấp nhận đề xuất về các quy định chặt chẽ hơn đối với tiền kỹ thuật số .
Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới.
Đáng chú ý, các nhà lãnh đạo G20 đã nhất trí về 3 nguyên tắc liên quan tới phòng, chống tham nhũng, gồm: Tăng cường hợp tác quốc tế về thực thi pháp luật và chia sẻ thông tin chống tham nhũng; Tăng cường cơ chế thu hồi tài sản để chống tham nhũng; Thúc đẩy tính minh bạch và hiệu quả của các cơ quan công quyền.
Trong ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố thành lập Liên minh nhiên liệu sinh học toàn cầu, đồng thời mời các quốc gia G20 tham gia và kêu gọi bắt tay vào "Sáng kiến tín dụng xanh" nhằm thúc đẩy các nỗ lực tích cực về môi trường.
Gửi phản hồi
In bài viết