Lũ lụt đã trở thành hiện tượng thường xuyên tại nhiều thành phố châu Âu những năm gần đây.
Theo Cơ quan Môi trường châu Âu, khi biến đổi khí hậu diễn ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và việc phòng chống lũ lụt trở thành nhiệm vụ thường trực ở nhiều khu vực. Ở các thành phố và thị trấn đông dân cư, khả năng thiệt hại đặc biệt cao. Ngoài thiệt hại về nhân mạng, sự phá hủy nhà cửa và cơ sở hạ tầng, ngày càng có nhiều người lo ngại rằng, tình trạng này sẽ lặp lại với tần suất ngày càng dày đặc hơn.
Để đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, từ năm 2004, Liên minh châu Âu đã xây dựng Chương trình hành động nhằm ngăn ngừa lũ lụt. Từ chương trình này, nhiều quốc gia thành viên đã triển khai các biện pháp ở cấp khu vực và quốc gia, cũng như hợp tác xuyên biên giới ở các lưu vực sông chung lớn như Danube, Rhine, Oder và Elbe. Sự phối hợp hành động trong nhiều năm đã giúp cải thiện mức độ bảo vệ người dân khỏi những hậu quả do lũ lụt gây ra.
Mới đây, Trung tâm nghiên cứu khoa học địa chất Đức (GFZ) đã triển khai dự án xây dựng một trang web mới để cung cấp thông tin toàn diện về nguy cơ lũ lụt cho nhiều thành phố của châu Âu, đồng thời lập kế hoạch và đưa ra biện pháp bảo vệ, phòng ngừa từ xa. Dự án có tên SaferPords này nằm trong khuôn khổ chương trình sáng kiến về khí hậu của EU. SaferPords cung cấp dữ liệu mở về khí hậu, thủy văn, địa hình và kinh tế... Giám đốc dự án Kai Schroter cho biết: “Thông tin về mức độ, tần suất và hậu quả của lũ lụt đang trở thành cơ sở thiết yếu cho quy hoạch đô thị. Để cho phép các thành phố tự lập kế hoạch bảo vệ và phòng ngừa một cách hiệu quả, SaferPords sẽ cung cấp thông tin chi tiết, được tính toán cụ thể từ cảnh báo khu vực ngập lụt đến tổn thất có thể phát sinh. Do đó, các kịch bản tương ứng có thể được các nhóm đa ngành đưa ra và thảo luận trực tiếp trong các cuộc họp lập kế hoạch”.
Bên cạnh các công cụ cảnh báo, nhiều thành phố tại châu Âu cũng đã xây dựng phương án chống ngập, cải thiện hệ thống thoát nước. Tại Brussels (Bỉ), sau 2 trận lụt nặng vào năm 2021, chính quyền thành phố đã khẩn trương áp dụng biện pháp thu gom nước mưa theo cách thức tự nhiên, để nước mưa thấm sâu vào lòng đất. Trước đây, tại một số thành phố lớn của Bỉ, đường được bê tông hóa, rải nhựa, mưa to khiến nước không thấm xuống đất, gây lụt. Do vậy, Brussels đã mở rộng những “vùng xanh” để nước thoát dễ dàng. Bên cạnh đó, hệ thống cống thoát nước cũng được tăng cường thông qua việc cải tạo, nâng cấp và xây mới hệ thống cống. Thành phố cũng xây bể chứa nước mưa. Nước từ bể chứa sau đó sẽ thấm xuống mạch nước ngầm hoặc từ từ thoát ra các ống cống. Điều này giúp Brussels hạn chế hậu quả do lũ lụt gây ra. Việc tạo dựng các tình huống giả định về ngập lụt để xem xét tác động, khu vực nào bị ảnh hưởng cũng được coi trọng nhằm tránh rơi vào thế bị động mỗi khi có mưa lớn.
Thủ đô Copenhagen của Đan Mạch đã xây dựng dự án quản lý có tên gọi Cloudburst để giảm nguy cơ ngập lụt, đồng thời nâng cao chất lượng khí hậu đô thị. Jan Rasmussen, Giám đốc dự án cho biết: “Kế hoạch dài hạn của Cloudburst là tạo ra khoảng 300 khu vực có thể sử dụng làm không gian thư giãn trong điều kiện thời tiết bình thường, đồng thời có thể đóng vai trò thu gom nước khi mưa bão. Các địa điểm xanh và đa dạng sinh học này đang được xây dựng trên toàn thành phố, ngăn nước gây ngập lụt hoặc tràn vào hệ thống nước thải. Bất cứ khi nào bão đe dọa thành phố, những khu vực này lập tức biến thành hồ chứa nước; nước mưa tập trung ở đây sau đó được lưu trữ ở nơi khác hoặc hút ra khỏi thành phố”. Cho đến nay, Copenhagen đã hoàn thành việc xây dựng 9 khu mới kiểu này, 66 địa điểm khác đang trong giai đoạn thiết kế hoặc sẽ được thực hiện trong những năm tới. Tất cả thiết kế đều được xin ý kiến đóng góp của người dân địa phương, vừa để nâng cao nhận thức về nguy cơ lũ lụt, vừa để đảm bảo đáp ứng nhu cầu và sở thích của họ.
Các chuyên gia về khí hậu cho rằng, song song với những biện pháp phòng chống lũ lụt, chính quyền mỗi quốc gia và địa phương phải xây dựng chính sách nhằm giảm thiểu yếu tố có thể ảnh hưởng tiêu cực tới môi trưởng, giảm khí phát thải nhà kính, thực sự hướng tới phát triển bền vững. Đây mới là biện pháp có thể giúp tránh được nguy cơ từ thiên tai một cách lâu dài.
Gửi phản hồi
In bài viết