Thu hẹp khoảng cách giới để phát triển bền vững

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 2,4 tỷ phụ nữ trong độ tuổi lao động trên toàn cầu không có cơ hội kinh tế bình đẳng. Phụ nữ tại 86 quốc gia đang phải đối mặt một số hạn chế về việc làm, trong khi 95 quốc gia không trả lương bình đẳng cho nữ giới giống như nam giới. Trong bối cảnh dịch bệnh và xung đột tác động tiêu cực tới phụ nữ, nhiều quốc gia và nhà lãnh đạo thế giới đưa ra các biện pháp nhằm thu hẹp khoảng cách giới.

Phụ nữ Nam Sudan tham gia chương trình thúc đẩy bình đẳng giới.

Trong báo cáo về phụ nữ, doanh nghiệp và pháp luật năm 2022, WB cho biết, phụ nữ chỉ được hưởng hơn 70% số quyền hợp pháp so với nam giới. Nếu biểu thị điều này bằng thang điểm 100, phụ nữ chỉ nhận được 76,5 điểm. Chỉ có 118/194 nền kinh tế thế giới bảo đảm 14 tuần nghỉ phép có lương cho các bà mẹ. Trong khi đó, 178 nước vẫn duy trì các rào cản pháp lý ngăn cản sự tham gia đầy đủ của phụ nữ đối với các hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng hiếm hoi đối với bình đẳng của phụ nữ. Theo đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động tới cuộc sống và sinh kế của phụ nữ, 23 nước trên thế giới đã cải cách luật pháp trong năm 2021 nhằm thực hiện các bước cần thiết hướng tới thúc đẩy hòa nhập kinh tế của phụ nữ.

Bất bình đẳng về giới diễn ra ở nhiều khu vực, cản trở sự phát triển của xã hội. Tại Mỹ Latin và Caribe, báo cáo của WB cho thấy, tại khu vực này, số quyền pháp lý mà phụ nữ được tiếp cận chưa bằng ba phần tư so với nam giới. 19 trong số 32 nền kinh tế trong khu vực không có luật bảo đảm phụ nữ được hưởng lương trong thời gian nghỉ thai sản 14 tuần, trong khi chỉ một nửa trong số các nền kinh tế Mỹ Latin và Caribe có quy định về một số hình thức nghỉ thai sản có lương. Trong số 30 quốc gia trên thế giới không cấm phân biệt đối xử trong lao động, có tới bảy nước nằm ở Mỹ Latin và Caribe.

Trong khi đó, tại Israel, Cục Đổi mới sáng tạo Israel đã công bố báo cáo hằng năm về vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực công nghệ cao. Theo báo cáo, trong các ngành công nghệ cao, phụ nữ chỉ chiếm một phần ba số nhân viên và 22,6% quản lý cấp cao. Chỉ 9,4% người đứng đầu và sáng lập các công ty khởi nghiệp tại Israel trong thời gian 2010-2021 là nữ giới. Ngoài ra, phụ nữ chiếm 16,5% thành viên trong các công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất Israel, trong khi 57% trong các công ty này không có một thành viên nữ nào. Trước tình trạng này, báo cáo đưa ra một số khuyến cáo nhằm gia tăng bình đẳng giới trong lĩnh vực công nghệ cao của Israel.

Tại châu Âu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ô.Sôn) lên tiếng ủng hộ thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa phụ nữ và nam giới. Theo ông Scholz, phụ nữ chiếm hơn một nửa xã hội và điều này phải được phản ánh trong mọi lĩnh vực, nhất là tiền lương. Cùng với quan điểm này, Bộ trưởng Lao động và Các vấn đề xã hội liên bang Đức đánh giá, đại dịch Covid-19 đã một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ đối với nước Đức, tuy nhiên, điều này lại không được phản ánh qua tiền lương. Ông cho rằng không thể để tình trạng này tiếp tục diễn ra. Những lời kêu gọi thúc đẩy bình đẳng giới được đưa ra trong bối cảnh Văn phòng Thống kê liên bang Đức (Destatis) công bố số liệu cho thấy, trong năm 2021, thu nhập trung bình theo giờ của phụ nữ ở Đức thấp hơn 18% so với nam giới. Trong báo cáo nhân dịp kỷ niệm “Ngày trả lương bình đẳng”, Destatis nêu rõ, tổng thu nhập trung bình theo giờ của phụ nữ ở Đức là 19,12 euro, thấp hơn 4,08 euro so với nam giới.

Một báo cáo gần đây của Đại hội Công đoàn Thương mại (TUC), tổ chức công đoàn lớn nhất ở Anh và xứ Wales, cho biết khoảng cách trả lương theo giới ở Anh là 15,4%. So với nam giới, mỗi năm, phụ nữ ở Anh trung bình có 56 ngày làm việc hiệu quả mà không được trả lương. Theo Tổng Thư ký TUC, với tốc độ tiến bộ như hiện nay, phải mất gần 30 năm nữa để thu hẹp khoảng cách lương theo giới.

Bà Mari Pangestu, Giám đốc điều hành Chính sách Phát triển và đối tác của WB nhấn mạnh, mặc dù đạt được nhiều tiến triển, khoảng cách thu nhập trọn đời dự kiến giữa nam giới và nữ giới trên toàn cầu vẫn lên tới 172.000 tỷ USD. Theo bà, trong bối cảnh thế giới đang hướng đến phát triển xanh, bền vững và bao trùm, các nước cần nhanh chóng cải cách luật pháp để phụ nữ có thể phát huy hết tiềm năng, được hưởng các lợi ích đầy đủ và công bằng.

Theo Báo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục