Thủ tướng Đức Olaf Scholz (bên trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong buổi họp báo chung tại Nhà Trắng, ngày 7-2.
Chính quyền Tổng thống Mỹ J.Biden hiện đang nỗ lực củng cố, tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác, trong đó có Đức - một trong những đồng minh thân cận và quan trọng nhất của xứ Cờ hoa tại châu Âu.
Theo tuyên bố của Nhà Trắng, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng O.Scholz diễn ra sau hai tháng từ khi ông nhậm chức càng khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Washington - Berlin và là cơ hội tốt để làm sâu rộng hơn quan hệ song phương. Ngoài ra, Thủ tướng Đức O.Scholz cũng đã bác bỏ những lời chỉ trích rằng chuyến thăm đầu tiên của ông đến Washington là quá muộn, đồng thời nhấn mạnh đây là chuyến công du được thực hiện đúng thời điểm và được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, Tổng thống Mỹ J.Biden nhấn mạnh: “Đức và Mỹ là những người bạn thân. Không có vấn đề toàn cầu quan trọng nào mà Đức và Mỹ không làm việc cùng nhau”. Đáp lại, Thủ tướng Đức cũng khẳng định: “Chúng ta sẽ đoàn kết. Chúng ta sẽ cùng hành động”.
Theo kênh ABC News, ông chủ Nhà Trắng nhận định đây là cơ hội tốt để hai nhà lãnh đạo xây dựng mối quan hệ cá nhân và hiểu nhau hơn. Người tiền nhiệm của Thủ tướng O.Scholz là bà Angela Merkel đã xây dựng được những mối quan hệ cá nhân thân tình với nhiều Tổng thống Mỹ trong thời gian tại vị và từ đó cũng giúp thúc đẩy quan hệ song phương.
Theo tờ Washington Post, trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, Tổng thống J.Biden và Thủ tướng Olaf Scholz đã có cuộc gặp tại Nhà Trắng trong nỗ lực thể hiện sự thống nhất và tìm kiếm điểm chung trong vấn đề này. Đức đang phải đối mặt với chỉ trích vì đã không đóng vai trò tích cực hơn cùng với đồng minh châu Âu trong việc chuẩn bị các phản ứng thích hợp. Trong khi chính quyền Mỹ đang nỗ lực tập hợp các đồng minh để đáp trả những mối đe dọa và nhiều lần cảnh báo rằng Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu có động thái quân sự nhằm vào Ukraine, thì Đức thường lựa chọn cách đáp trả nhẹ nhàng hơn, từ chối gửi thiết bị quân sự đến Ukraine hay triển khai thêm quân ở sườn phía Đông.
Theo Washington Post, hai nhà lãnh đạo cũng có cuộc thảo luận riêng về việc tạo ra một gói trừng phạt mạnh mẽ đối với Nga cũng như quan điểm của Mỹ về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2), đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Dự án gần hoàn thành này từ lâu đã trở thành một vấn đề “hóc búa” giữa hai nước, khi Mỹ bày tỏ lo ngại rằng nó có thể tăng ảnh hưởng của Nga và gây tổn hại cho Ukraine. Trong cuộc họp báo chung tại Nhà Trắng của hai nhà lãnh đạo, đây cũng là câu hỏi bị xoáy vào nhiều nhất.
Trong khi Tổng thống Mỹ J.Biden khẳng định “sẽ không có dự án Dòng chảy phương Bắc 2” nếu Nga có hành động quân sự nhằm vào Ukraine, thì Thủ tướng Đức O.Scholz vẫn tránh đề cập trực tiếp đến dự án này. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi dự án có giá trị cao và mang lại lợi ích kinh tế rất lớn cho Đức. Mặc dù vậy, Thủ tướng Đức khẳng định, hai nước tiếp tục đoàn kết và sẽ cùng hành động, đồng thời cho biết Đức đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt trong trường hợp Nga có hành động quân sự với Ukraine. Tổng thống Mỹ J.Biden cũng cho biết thêm, tất cả các con đường ngoại giao cần được thực hiện để làm giảm căng thẳng tình hình biên giới Ukraine.
Sau Mỹ, Thủ tướng Đức O.Scholz dự kiến có các cuộc công du tiếp theo tới Ukraine và Nga trong nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng ở khu vực Đông Âu.
Gửi phản hồi
In bài viết