Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu nhiều thông điệp quan trọng, hướng tới khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tối 11/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5, tại Labuan Bajo, Indonesia, với sự tham dự của lãnh đạo các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN. Thủ tướng Timor Leste được mời tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần đầu tiên với tư cách quan sát viên.
Đoàn đại biểu chính thức cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoàng Xuân Chiến; Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành; Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân; Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng.
Trong khoảng 48 giờ đồng hồ tại Labuan Bajo, Thủ tướng Phạm Minh Chính có gần 20 hoạt động đa phương, song phương. Thông qua các hoạt động, Thủ tướng thể hiện nỗ lực, mong muốn của Việt Nam cùng các nước xây dựng bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN và làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam với các nước ASEAN.
Một ASEAN Tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra trong bối cảnh ASEAN phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch COVID-19 để lại những ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế, xã hội ở các nước ASEAN, trong khi những biến động ở khu vực và thế giới tiếp tục có những tác động không nhỏ, ảnh hưởng đến tham vọng phục hồi của ASEAN. Tình hình Myanmar vẫn chưa có nhiều tiến triển trong việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm. Trong khi đó, trên thế giới, những điểm nóng xung đột vẫn tiếp diễn, kéo dài, gây nhiều hệ lụy làm gián đoạn nhiều chuỗi cung ứng và vận chuyển hàng hóa đến và đi từ các nước thành viên ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 là cơ hội để các nhà lãnh đạo trao đổi, định hướng sự phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm ứng phó những khó khăn, thách thức, củng cố đoàn kết nội khối, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nỗ lực phục hồi của cả Hiệp hội nói chung, của từng thành viên nói riêng.
Tại hội nghị, lãnh đạo ASEAN đã thống nhất nhiều định hướng quan trọng cho hợp tác ASEAN 2023 và những năm tới. Các trao đổi diễn ra xung quanh chủ đề "Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng." Trong thời gian hội nghị, các nhà lãnh đạo đã có các cuộc gặp, đối thoại với Nghị viện các nước ASEAN, thanh niên, doanh nghiệp, và Nhóm đặc trách cao cấp về Tầm nhìn Cộng đồng sau 2025.
Lãnh đạo các nước đã thảo luận, thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phác thảo tương lai của Cộng đồng trong 20 năm tới, với mục tiêu, khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn, xứng tầm ASEAN.
Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Lãnh đạo các nước ASEAN cũng thông qua 10 văn kiện định hướng hợp tác ASEAN trong nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý có Tuyên bố chung hướng đến Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, phát triển hệ sinh thái xe điện ở khu vực, Sáng kiến Một sức khỏe ASEAN, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ…
Các văn kiện này bám sát các ưu tiên mà Chủ tịch ASEAN đề ra trong năm 2023 về ổn định tài chính, an ninh năng lượng. Đây là những nội dung rất thiết thực, hỗ trợ đắc lực cho các nỗ lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng ở khu vực, góp phần đưa ASEAN thực sự trở thành lực lượng trung tâm trong tiến trình phát triển chung của cả khu vực, đúng như tinh thần của chủ đề năm nay là "ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng".
Kết quả của hội nghị đã gửi đi nhiều thông điệp lớn.
Thứ nhất, tinh thần đoàn kết, độc lập, tự cường và tự chủ chiến lược được phản ánh rõ nét trong phát biểu của các nước. Các lãnh đạo đều thống nhất rằng đây chính là sức mạnh, là động lực và cũng là phương châm để ASEAN giữ vững vị trí, vai trò và hình ảnh trong khu vực và trên thế giới. ASEAN sẽ là lực lượng trung tâm trong tiến trình củng cố hòa bình, duy trì ổn định và hợp tác ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là Châu Á - Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Thứ hai, ASEAN có đủ điều kiện trở thành tâm điểm của tăng trưởng cũng được các nước hết sức đề cao. Kinh tế toàn cầu bấp bênh, địa chính trị biến động, thách thức, khó khăn chồng chất nhưng ASEAN vẫn tăng trưởng ở mức cao, tới 5,5% năm qua trở thành là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Tuy vậy, các nước vẫn cho rằng chưa thể chủ quan, cần đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực mới, chiến lược như tăng cường thương mại, đầu tư nội khối, chuyển đổi số, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo…
Thứ ba, lợi ích của người dân được coi là mục tiêu cao nhất, là tâm điểm của Cộng đồng ASEAN. Các nội dung được bàn thảo, các văn kiện của Hội nghị lần này đều xoay quanh lợi ích của người dân, hướng tới phát triển đồng đều, bền vững và bao trùm. Điều này thấy rõ qua các tuyên bố của lãnh đạo cấp cao, tất cả đều rất thiết thực, hướng tới cộng đồng như lao động di cư, mạng lưới làng xã, phát triển nông thôn…
Hội nghị được tổ chức tại Labuan Bajo, một hòn đảo nằm rất xa Thủ đô Jakarta, có điều kiện phát triển và hạ tầng còn rất hạn chế song có tiềm năng du lịch rất lớn. Việc Indonesia, Chủ tịch ASEAN 2023 lựa chọn địa điểm này làm nơi tổ chức Hội nghị Cấp cao đã chuyển tải thông điệp về quyết tâm của các nước thành viên cùng chung tay thúc đẩy phục hồi nền kinh tế theo hướng bền vững và bao trùm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra 3 vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu, và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhiều thông điệp quan trọng của đoàn đại biểu Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam đến Labuan Bajo lần này mang theo nhiều thông điệp quan trọng. Đó là tinh thần đoàn kết ASEAN, quyết tâm đóng góp thực chất, hiệu quả cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN và cũng là khẳng định đường lối nhất quán, chủ trương thống nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi ASEAN là bộ phận quan trọng, không tách rời trong chính sách đối ngoại.
Trên tinh thần đó, những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đều hướng tới khởi tạo ý tưởng, khơi dậy tự cường, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN.
Theo Thủ tướng, sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, chưa bao giờ ASEAN ở vị thế tốt cũng như phải đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. ASEAN vừa là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết và kết nối khu vực, đồng thời cũng là trọng điểm trong cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn.
Thủ tướng đã nêu ra 3 vấn đề cốt lõi quyết định bản sắc, giá trị, sức sống và uy tín của ASEAN, đó là giữ vững độc lập, tự chủ chiến lược, vươn mình bứt phá thành tâm điểm của tăng trưởng, và thích ứng ngày càng tốt hơn trước những biến động bên ngoài.
Thủ tướng nêu nhiều đề xuất tại các phiên họp.
Thứ nhất, đoàn kết, thống nhất, độc lập, tự lực, tự cường và phát huy mạnh mẽ vai trò trung tâm là những giá trị nền tảng làm nên thành công của ASEAN. Thủ tướng nêu rõ đoàn kết là sức mạnh vô địch, phải thể hiện qua ý chí và hành động cụ thể. Củng cố đoàn kết và thống nhất là nhiệm vụ căn cốt cho một ASEAN độc lập và tự cường.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh ASEAN cần phải giữ vững cân bằng chiến lược trong quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các nước lớn. Giữ được cân bằng chiến lược sẽ giữ được vai trò trung tâm của ASEAN, hướng tới xây dựng "một ASEAN tầm vóc". ASEAN phải thực sự là một cầu nối tin cậy, có năng lực điều hoà các mối quan hệ với các nước lớn; tạo dựng và thúc đẩy văn hoá đối thoại, hợp tác tham vấn, xây dựng lòng tin; phối hợp ứng phó với các thách thức chung.
Thứ hai, thúc đẩy kết nối khu vực trên cả ba phương diện thể chế, hạ tầng và con người để khai thông các điểm nghẽn hợp tác và khơi dậy tiềm năng phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh đây là ba đột phá chiến lược để tạo xung lực phát triển mạnh mẽ hơn cho ASEAN trong những thập kỷ tới.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn, để thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Thủ tướng nhấn mạnh mở rộng thị trường nội khối, đề nghị nỗ lực đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, triển khai đồng bộ và quyết liệt các dự án kết nối khu vực, tạo bước chuyển về chất cho môi trường đầu tư, kinh doanh và du lịch.
Thủ tướng đề nghị quan tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế số, chính phủ số, kinh tế tuần hoàn, cùng với kết nối mạng lưới điện, phát triển năng lượng tái tạo, và sớm xây dựng các chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thông qua nâng cao hiệu quả triển khai Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động trong một số ngành nghề của ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước dự phiên họp hẹp trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thứ ba, bám sát tinh thần cốt lõi của ASEAN là lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực của xây dựng Cộng đồng, Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN cần quan tâm thúc đẩy nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa và tiểu vùng. Hợp tác tiểu vùng cần được gắn kết với các chương trình hợp tác chung của Cộng đồng ASEAN trên tất cả lĩnh vực, nhằm mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn, và bảo đảm cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả người dân.
Thủ tướng chia sẻ, khó khăn, thách thức luôn hiện hữu, nhưng khó khăn không làm ASEAN nhụt chí, ASEAN phải mạnh mẽ hơn. Để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, Thủ tướng đề nghị các thành viên ASEAN chung tay khơi dậy ý chí tự cường, đoàn kết, khơi thông các nguồn lực phát triển và khởi tạo các ý tưởng đột phá cho xây dựng Cộng đồng, giúp ASEAN bứt phá trở thành tâm điểm tăng trưởng của khu vực và toàn cầu.
Tại hội nghị, Thủ tướng đã cùng các lãnh đạo trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế, tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN. Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh,an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông vừa là lợi ích, vừa làtrách nhiệm của tất cả các nước, đề nghị thúc đẩy thực hiện đầy đủ thúcđẩy thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và phấn đấu đạt được Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Thủ tướng đề nghị ASEAN, dù khó khăn, cần kiên định với mục tiêu hỗ trợ Myanmar thực hiện đầy đủ "Đồng thuận 5 điểm" vì người dân Myanmar, vì đoàn kết, uy tín và hình ảnh của ASEAN, và vì sự kỳ vọng của cộng đồng quốc tế; ủng hộ Chủ tịch Indonesia và Đặc phái viên phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt ASEAN thực hiện mục tiêu trên.
ASEAN cần duy trì cách tiếp cận khách quan, cân bằng, trách nhiệm trong vấn đề Nga-Ukraine, phối hợp với các đối tác, giảm thiểu tác động của xung đột với khu vực, cùng đóng góp cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ cũng tham gia các phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN với đại diện Đại Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Thanh niên ASEAN, Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC) và Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Bày tỏ vui mừng khi đối thoại với thanh niên, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, đi đầu trong các hoạt động tình nguyện, mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Trên tinh thần cởi mở, chân thành và thực chất, với các đại diện AIPA, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ba định hướng tăng cường hiệu quả phối hợp giữa lập pháp và hành pháp. Với thanh niên, Thủ tướng đề nghị đưa Cộng đồng ASEAN thành "cộng đồng học tập" nhằm phát triển kỹ năng cho thanh niên ASEAN và "cộng đồng sáng tạo" để ASEAN là vườn ươm khởi nghiệp giúp thanh niên phát huy sức sáng tạo. Với ABAC, Thủ tướng nêu định hướng "3 cùng", đó là cùng hoàn thiện thể chế, cùng phát triển cơ sở hạ tầng chiến lược và cùng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng yêu cầu Nhóm đặc trách cao cấp bám sát "3 đột phá" là đột phá trong kết nối, trong thúc đẩy tăng trưởng và trong phát triển con người, để vạch ra những đường hướng chiến lược cho ASEAN phát triển tới 2045.
Những đề xuất và đóng góp trên đây của Thủ tướng nhận được sự quan tâm, ủng hộ và đánh giá cao của các đại biểu.
Thúc đẩy hợp tác thực chất, cụ thể với các nước
Cùng với các hoạt động đa phương, nhân dịp này Thủ tướng Phạm Minh Chính có các cuộc gặp song phương lãnh đạo 8 nước gồm: Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr, Thủ tướng Timor Leste Taur Matan Ruak.
Tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng và lãnh đạo các nước đã trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ, mở ra các cơ hội mới đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh-quốc phòng, văn hóa-giáo dục, giao lưu nhân dân… giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước thảo luận việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết với các nội dung cụ thể, thực chất như việc tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy triển khai các dự án trọng điểm tại Lào (dự kiến khánh thành bàn giao các dự án sân bay Nọng Khạng tại tỉnh Hủa Phăn và dự án Bệnh viện Hữu nghị tại tỉnh Xiêng-khoản vào tháng 5); thúc đẩy thương mại biên giới, hợp tác phát triển kinh tế khu vực giáp biên với Campuchia; triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh với Singapore; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Indonesia đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn trước năm 2028 theo hướng cân bằng hơn; mở rộng hợp tác với Brunei trong các lĩnh vực tiềm năng với 4 trọng tâm chính là hợp tác dầu khí, hóa chất, sản phẩm Halal và du lịch, giao lưu nhân dân; Việt Nam sẵn sàng cung cấp gạo một cách chiến lược, dài hạn, ổn định với giá thành phù hợp cho Philippines; Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Timor-Leste sớm trở thành thành viên thứ 11 của gia đình ASEAN; tăng cường hợp tác biển, lập cơ chế tham vấn và quản lý về biển với Indonesia, Malaysia…
Tổng thống Indonesia Joko Widodo chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 42 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việc tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hoạt động liên quan của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam đóng góp tích cực, chủ động và có trách nhiệm, góp phần củng cố đoàn kết ASEAN, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra; lồng ghép hài hòa các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Việt Nam và quan tâm của các nước như kết nối hạ tâng chiến lược, chuyên đổi số, chuyển đổi xanh, an ninh lương thực, năng lượng, phát triển tiểu vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định vai trò, hình ảnh và uy tín của ASEAN, qua đó đóng góp cho công cuộc xây dựng Cộng đồng ASEAN; giữ vững lập trường nguyên tắc của ASEAN về các vấn đề quốc tế và khu vực.
Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 42 và các hoạt động liên quan của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam góp phần triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về "tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế" và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về "đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030". Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Gửi phản hồi
In bài viết