Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực truyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nội vụ. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Theo Bộ Nội vụ, về lĩnh vực tổ chức bộ máy và biên chế: thực hiện các Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Bộ đã chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo đổi mới sắp xếp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm đầu mối trung gian; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo, bỏ sót hoặc không rõ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật, kiên trì mô hình tổ chức quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; tiếp tục thực hiện sắp xếp tinh gọn đơn vị sự nghiệp công lập và thúc đẩy tự chủ, xã hội hóa đối với các dịch vụ công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành nội vụ. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Trong năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương: giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục; giảm 8 cục thuộc tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc Bộ. Ở địa phương, tiếp tục giảm 711 tổ chức phòng thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh và cấp huyện.
Thực hiện các quy định của Chính phủ về tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phê duyệt Đề án và tổ chức triển khai quyết liệt nhằm bảo đảm mục tiêu giảm ít nhất 10% đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của mình tự chủ về tài chính.
Đến năm 2022, cả nước giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập (đạt 13,5%) so năm 2016. Riêng năm 2022, ở Bộ, ngành Trung ương đã giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành; ở địa phương giảm 1.020 đơn vị sự nghiệp công lập.
Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-CP về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, Bộ Nội vụ thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật có liên quan đến phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước.
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW , Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về quản lý biên chế. Đến nay, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP) ở các Bộ, ngành, địa phương là 79.057 người (chiếm tỷ lệ 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành là 5.510 người và địa phương là 73.547 người.
Các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
* Nhân dịp này, Bộ Nội vụ chính thức đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đi vào hoạt động.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước dự kiến quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước.
Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước từ Trung ương tới địa phương, cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là một trong những cơ sở dữ liệu được đánh giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, trung thực về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước phục vụ công tác quản lý biên chế và công tác quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Tại Quyết định số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, đã nhấn mạnh vai trò của Bộ Nội vụ trong việc chủ trì xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đây cũng là bước đi cụ thể hiện thực hóa các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước. Trong đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức là một trong những cấu phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số, nhằm thực hiện việc xây dựng, quản lý, cập nhật dữ liệu thường xuyên, tổ chức khai thác, sử dụng và lưu trữ cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc...
Gửi phản hồi
In bài viết