Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát dây chuyền cũ của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc.
Theo Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, đơn vị là thành viên của Vinachem, thành lập năm 1960, hiện là công ty cổ phần (từ năm 2016) do Tập đoàn chiếm 97,66% vốn điều lệ. Công ty là doanh nghiệp sản xuất phân đạm urê đầu tiên của cả nước, với bề dày truyền thống hơn 60 năm hình thành và phát triển.
Sản lượng urê của công ty qua nhiều lần đầu tư cải tạo, mở rộng, công suất được nâng lên từ 100.000 tấn urê/năm đến nay đã lên đến 500.000 tấn urê/năm, chiếm khoảng 20% thị phần cả nước và đáp ứng hơn 70% nhu cầu các tỉnh miền bắc. 7 tháng đầu năm 2022, công ty nộp ngân sách nhà nước 86 tỷ đồng, bằng 92% kế hoạch năm, tăng 51% so thực hiện cùng kỳ năm 2021; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế đạt 4.245 tỷ đồng, bằng 97% kế hoạch năm, tăng 107% so cùng kỳ năm 2021; sản phẩm sản xuất (quy đổi urê) là 279.530 tấn, bằng 68% kế hoạch năm và bằng 107% so cùng kỳ năm 2021; doanh thu đạt 4.275 tỷ đồng, bằng 95% kế hoạch năm, tăng 82% so cùng kỳ năm 2021; lãi 1.528 tỷ đồng, tăng lãi 1.870 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2021.
Công ty đặt mục tiêu năm 2022 phấn đấu nộp ngân sách nhà nước 140 tỷ đồng, bằng 165% kế hoạch năm, tăng 51% so thực hiện năm 2021; giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế dự kiến 6.341 tỷ đồng, bằng 149% so năm 2021; sản phẩm urê sản xuất (quy đổi) 431.000 tấn, bằng 95% so năm 2021; doanh thu đạt 6.244 tỷ đồng, bằng 138% so thực hiện năm 2021.
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc nhằm mở rộng quy mô sản xuất kết hợp với cải tạo dây chuyền sản xuất hiện có (công suất 180.000 tấn urê/năm) bằng cách chuyển đổi công nghệ sử dụng nguyên liệu từ than cục (nguồn có giới hạn) sang than cám nhằm tăng thêm 320.000 tấn để đạt tổng cộng 500.000 tấn urê/năm (sản phẩm trung gian amoniac lỏng 300.000 tấn/năm), tăng sức cạnh tranh sản phẩm và bảo đảm môi trường. Tổng mức đầu tư dự án 568,6 triệu USD, tương đương 10.122 tỷ đồng, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Dự án được khởi công tháng 11/2010, hoàn thành tháng 4/2015 và đưa vào vận hành thương mại.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Đạm Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn. Đạm Hà Bắc đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn). Nếu không tái cơ cấu tài chính, Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh phải quyết tâm tái cơ cấu để nhà máy phát triển (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đến nay, chúng ta đã xử lý 5/12 dự án thua lỗ ngành công thương, còn 7 dự án đang nghiên cứu phương án xử lý, trong đó có dự án mở rộng, cải tạo Nhà máy Phân đạm Hà Bắc. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ năm 2015 nhưng chưa hiệu quả; chi phí đầu vào tăng lên, không đủ sức cạnh tranh, "nợ chồng nợ". Nguyên nhân quan trọng nhất là vi phạm trong quá trình phê duyệt, tổng mức đầu tư không phù hợp tại thời điểm lúc bấy giờ, do đó khó trả nợ.
Hiện nay, còn một số vướng mắc về tranh chấp hợp đồng EPC với nhà thầu; vướng mắc về tài chính; chi phí đầu vào cao, cho nên sức cạnh tranh thấp, sản phẩm khó tiêu thụ. Vướng mắc nữa là về vấn đề môi trường: cả trong và ngoài nhà máy đang phức tạp, nghiêm trọng, thiếu các hệ thống thu gom chất thải.
Theo Thủ tướng, bao giờ một nhà máy cũng phải có đủ hệ thống này để bảo vệ môi trường; mối liên hệ giữa hai nhà máy cũ và mới vẫn “lộn xộn”, từ đó môi trường rất ô nhiễm.
Vấn đề môi trường của nhà máy đang rất nghiêm trọng; các hệ thống bảo ôn hỏng hóc; thiết bị, sắt thép gỉ; vật liệu bảo ôn bung ra nhiều… Đây là trách nhiệm của nhà máy. Quan điểm xử lý, sự phối hợp của các bộ, ngành chưa chặt chẽ, hiệu quả; quyết tâm đổi mới, tổ chức hoạt động làm cho nhà máy xanh, sạch, đẹp chưa có; chưa bảo đảm đúng quy trình vận hành của một nhà máy. Đó là những vấn đề vướng mắc cần phải giải quyết.
(Thủ tướng Phạm Minh Chính)
Về hướng giải quyết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Vinachem phải đề cao trách nhiệm, địa phương phải khuyến cáo nhà máy bảo đảm môi trường; hoàn thiện Đề án theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, bám sát các kết luận của Bộ Chính trị để bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả, đưa phương án cụ thể, có đánh giá tác động và thể hiện quan điểm của mình.
Thủ tướng nhấn mạnh phải quyết tâm tái cơ cấu để nhà máy phát triển vì đã đầu tư nguồn vốn lớn vào đây, đã vận hành, có sản phẩm, thị trường lại đang có nhu cầu lớn. Vấn đề là bảo đảm cạnh tranh, muốn vậy phải cải tiến, đầu tư khoa học công nghệ, bảo đảm môi trường… để nhà máy đi vào sản xuất bền vững, ổn định, xanh, sạch. Việc sản xuất phân đạm góp phần cung cấp sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp, giảm nhập khẩu, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Theo Thủ tướng, cần phải đa dạng hóa sản phẩm bảo đảm cạnh tranh tốt hơn. Chúng ta có truyền thống, thương hiệu lớn, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ chiến tranh thì phải phát huy.
Việc bảo đảm sản xuất sẽ giải quyết việc làm cho nhiều người; phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp xanh, sạch, bền vững, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thủ tướng chỉ đạo cần nhanh chóng khắc phục các sự cố về môi trường; Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với UBND tỉnh Bắc Giang tăng cường xuống kiểm tra, đánh giá lại vấn đề môi trường của nhà máy. Giải quyết dứt điểm mối liên hệ giữa sản xuất của nhà máy cũ và mới, "chỗ nào cần giữ thì giữ, không cần giữ thì chấm dứt"; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải chủ trì cùng các bộ, ngành tập trung hoàn thiện đề án xử lý trong tháng 8 này khả thi, hiệu quả, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị; việc nào thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì các bộ, ngành phải làm ngay, thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì các bộ, ngành phải tham mưu; đồng thời quan tâm, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập hợp lý cho người lao động. Muốn vậy phải cải tiến, nâng cao năng suất lao động, cải tiến quy trình sản xuất.
Thủ tướng yêu cầu đơn vị phải có quyết tâm, “tính chiến đấu” cao để khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, vươn lên phát triển sản xuất, kinh doanh. Việc thanh tra, kiểm tra thì vẫn phải làm, rõ đến đâu làm đến đó. UBND tỉnh Bắc Giang và Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp để xử lý ngay những vướng mắc liên quan đến thẩm quyền của tỉnh như về các vấn đề quy hoạch, giám sát, đánh giá tác động môi trường…
Gửi phản hồi
In bài viết