Ra sân bay Haneda đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn có Hạ Nghị sĩ, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Miyake Shingo, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Đại sứ Vũ Hồng Nam và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
tại Sân bay quốc tế Haneda. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Theo chương trình chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kashida Fumio; chứng kiến lễ ký và trao các văn kiện hợp tác; hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko; Chủ tịch Hạ viện Hosoda Hiroyki. Nhân chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng tiếp các tổ chức chính trị xã hội Nhật Bản; cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe; tham dự các Diễn đàn Doanh nghiệp hai bên, Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Hội nghị hợp tác giữa các địa phương; tiếp các tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn của Nhật Bản. Thủ tướng cũng sẽ có cuộc gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam học tập, sinh sống và làm ăn tại Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản phát triển nhanh chóng. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Việt Nam đi thăm (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (năm 2011), nước G7 đầu tiên mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (5/2016). Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, có sự tin cậy cao. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011). Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư số 2 (tính theo số lũy kế), đối tác du lịch thứ 3, thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 31 tỷ USD; trong đó xuất khẩu sang Nhật đạt 14,7 tỷ USD và nhập khẩu đạt 16,3 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến ngày 20/9/2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn đầu tư), đứng thứ 2 trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
9 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản có 131 dự án cấp mới, đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư hơn 3,26 tỷ USD. Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay cho đến tháng 12/2019 là 2.578 tỷ yên (tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ).
Từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã tác động đến Quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt - Nhật trên nhiều lĩnh vực. Hai nước đã phải hủy/hoãn một số hoạt động đối ngoại; hợp tác lao động, du lịch chịu tác động mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hai nước vẫn duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Hai bên tích cực trao đổi và phối hợp trong các công tác liên quan đến dịch Covid-19, Chính phủ Nhật Bản tích cực hỗ trợ ta trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 thông qua khoản viện trợ hơn 4 tỷ yên để cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế và viện trợ không hoàn lại hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca cho Việt Nam. Từ đầu năm 2021, Việt Nam đã đưa hơn 30.000 công dân Việt Nam về nước trên các chuyến bay giải cứu công dân và chuyến bay đưa công dân về nước cách ly có trả phí. Chính phủ và Quốc hội đã hỗ trợ tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20.000 khẩu trang vải cho Nhật Bản,...
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản lên một tầm cao mới, đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, góp phần vì lợi ích của mỗi nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết