Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm Australia: "Ngoại giao gấu trúc" sưởi ấm quan hệ song phương

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã bắt đầu chuyến thăm Australia bằng việc đến Vườn thú Adelaide, nơi sinh sống của hai chú gấu trúc Vương Vương và Phúc Nê.

china.jpg

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường phát biểu tại Vườn thú Adelaide, nơi sinh sống của hai chú gấu trúc Vương Vương và Phúc Nê. Ảnh: Bangkok Post

Ông thông báo, Bắc Kinh sẽ cho xứ sở Chuột túi mượn thêm hai con gấu trúc nữa sau khi cặp đôi này trở về Trung Quốc vào tháng 11 tới. Đây là động thái khẳng định thiện chí sưởi ấm quan hệ hai nước sau một thời gian sóng gió.

Ông Lý Cường là Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên đến thăm Australia sau 7 năm căng thẳng. Đây là dấu hiệu cho thấy, những nỗ lực hàn gắn đã đưa quan hệ hai nước trở lại đúng hướng. Theo các quan chức ngoại giao Trung Quốc, những chú gấu trúc đã trở thành "đặc phái viên" của tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Australia, đồng thời là biểu tượng cho mối quan hệ sâu sắc giữa nhân dân hai nước. Thủ tướng Lý Cường khẳng định: “Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác nghiên cứu với Australia về bảo tồn gấu trúc khổng lồ và hy vọng Australia sẽ tiếp tục là ngôi nhà thân thiện cho loài vật đáng yêu này”.

Gấu trúc là động vật quý hiếm và lâu nay vẫn được coi như một biểu tượng văn hóa của Trung Quốc. Ngay từ những năm 50 của thế kỷ trước, Bắc Kinh đã coi gấu trúc là biểu tượng của tình bạn và thiện ý khi nước này bước ra thế giới. Trung Quốc chỉ tặng gấu trúc cho nước ngoài trong những dịp đặc biệt. Do số lượng cá thể gấu trúc giảm mạnh, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng nên từ đầu năm 1980, Chính phủ Trung Quốc đã chuyển từ hình thức tặng quà sang cho mượn. Hai chú gấu Vương Vương và Phúc Nê được Bắc Kinh cho Canberra mượn vào năm 2009 theo một thỏa thuận được ký kết giữa hai bên. Thông báo của Thủ tướng Lý Cường về việc tiếp tục cho Canberra mượn thêm 2 con gấu trúc khác được đánh giá là một tín hiệu tích cực cho quan hệ hai nước.

Bắc Kinh đã áp đặt các lệnh hạn chế thương mại chính thức và không chính thức vào năm 2020 đối với một loạt mặt hàng xuất khẩu của Australia bao gồm than, rượu vang, thịt bò, lúa mạch và gỗ, với trị giá lên tới 20 tỷ đô la Australia (13 tỷ USD) mỗi năm. Sau hàng loạt nỗ lực xoa dịu căng thẳng từ năm 2023, tất cả các lệnh cấm thương mại đã dần được dỡ bỏ, ngoại trừ lĩnh vực xuất khẩu tôm hùm sống của Australia. Bộ trưởng Thương mại Australia Don Farrell dự đoán, trở ngại cũng sẽ được dỡ bỏ ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào.

Theo Thủ tướng Trung Quốc, quan hệ hai nước có lịch sử lâu đời và tình hữu nghị song phương ngày càng bền chặt. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm lịch sử tới Australia và hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Kể từ đó, trao đổi, hợp tác trên nhiều lĩnh vực không ngừng được đẩy mạnh, nâng cấp và hợp tác cùng có lợi là xu hướng chủ đạo của quan hệ song phương. Năm 2023, Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã có chuyến thăm thành công tới Trung Quốc, đưa quan hệ hai nước trở lại đúng hướng sau những thăng trầm.

Chuyến thăm kéo dài 4 ngày của Thủ tướng Lý Cường diễn ra đúng dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Australia. Dự kiến, ông và người đồng cấp nước chủ nhà Anthony Albanese sẽ đồng chủ trì Hội nghị Lãnh đạo thường niên Trung Quốc - Australia lần thứ 9 và cùng tham dự Hội nghị bàn tròn CEO Trung Quốc - Australia.

Nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ Trung Quốc mong muốn được trao đổi quan điểm một cách sâu sắc với các nhà lãnh đạo Australia và bạn bè thuộc mọi tầng lớp xã hội về mối quan hệ giữa hai nước và các vấn đề đôi bên cùng quan tâm, cũng như cùng thảo luận về hợp tác, phát triển. “Lịch sử đã chứng minh rằng, tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung trong khi gác lại sự khác biệt và thực hiện hợp tác cùng có lợi là kinh nghiệm quý báu trong việc phát triển quan hệ Trung Quốc - Australia. Điều này cần được duy trì và phát triển”, Thủ tướng Lý Cường nhấn mạnh.

Hiện tại, mối quan hệ giữa hai nước vẫn còn đối mặt với “cơn gió ngược” từ những khác biệt chính trị dai dẳng và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và đồng minh chính của Australia là Mỹ và Anh trong liên minh quân sự 3 bên (AUKUS). Việc Trung Quốc tuyên bố án tử hình treo đối với nhà văn Australia Yang Hengjun vào tháng 2 vừa qua cũng là một vết gợn trong quan hệ song phương. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Cường tin tưởng, mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Australia trưởng thành, ổn định và hiệu quả hơn sẽ là tài sản chung của nhân dân hai nước; đồng thời khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Australia vì mục tiêu đó.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục