Thức ăn chế biến sẵn tại khu vực cổng trường Tiểu học Hồng Thái (TP Tuyên Quang) không được che đậy.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, hiện toàn tỉnh có 2.436 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, cửa hàng thức ăn đường phố… được ngành y tế quản lý. Trong đó có 1.711 cửa hàng thức ăn đường phố, chiếm 70,2%. Thông tư 30 của Bộ Y tế đã quy định nghiêm ngặt điều kiện an toàn đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố đó là phải đảm bảo đủ nước sạch; có trang thiết bị chế biến và bảo quản đầy đủ; người trực tiếp làm dịch vụ phải được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh và khám sức khỏe định kỳ; nhân viên bán hàng phải đeo khẩu trang, tạp dề; không sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu trong quá trình chế biến… Tuy nhiên, sự chủ quan của cả người kinh doanh lẫn người tiêu dùng là nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu an toàn vệ sinh tại các cơ sở chế biến thức ăn đường phố.
Vụ việc hơn 20 học sinh Trường Tiểu học Phú Lương (Sơn Dương) bị ngộ độc do ăn phải đỗ tương bày bán tại hàng rong quanh cổng trường mấy năm trước đây thực sự là lời cảnh báo về những thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng ở đường phố. Giờ đây, dạo quanh các cổng trường học cũng vẫn có thể dễ dàng bắt gặp các quầy bán hàng thức ăn nhanh với đủ các loại mặt hàng như xúc xích, thịt nướng, thịt viên chiên, nem chua rán…; các loại nước uống đóng chai hoặc tự chế biến như nước ép, sữa… Đa phần, các loại thực phẩm, nước giải khát này có giá cả phải chăng chỉ từ 3.000 đến 20.000 đồng. Tuy nhiên, quy trình chế biến, sản xuất của chúng có được đảm bảo, nguồn gốc, xuất sứ, hạn sử dụng có rõ ràng hay không thì người tiêu dùng lại ít quan tâm đến.
Em Nguyễn Phương Linh, học sinh trường THPT Tân Trào cho biết, đôi khi chúng em rủ nhau tụ tập, ăn uống tại các cửa hàng thức ăn nhanh bên đường vì tiện lợi. Với nhiều đồ ăn đa dạng, màu sắc, hương vị hấp dẫn, giá rẻ nên chúng em cũng không quan tâm đến quy trình chế biến hay nguồn gốc của chúng.
Khu vực ngã 5 chợ Tam Cờ là nơi tập trung của nhiều hàng quán bày bán thức ăn đường phố với các loại đồ ăn nhanh được chế biến ngay bên lề đường. Có thể dễ dàng thấy nhiều thức ăn dầu mỡ được chiên đi chiên lại trong chảo dầu vàng đậm, người bán hàng dùng tay trần để lấy đồ ăn cho khách, các loại sốt, tương đựng trong những chai, lọ không nhãn mác… Chị Nguyễn Thị Ngọc, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) tâm sự, trước đây chị là “fan” ruột của những món xiên chiên bên đường. Thế nhưng một lần sau khi ăn chị bị đầy bụng, nôn, tiêu chảy nên giờ đây chị đã cảnh giác hơn với những thực phẩm chế biến sẵn không rõ nguồn gốc.
Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người ngộ độc, 1 người tử vong. Trong đó, nhiều vụ ngộ độc liên quan đến thức ăn đường phố. Lực lượng chức năng đã tăng cường siết chặt, kiểm tra việc quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến tại chỗ; chú trọng việc quảng cáo, kinh doanh qua mạng...
Ông Lê Xuân Vân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay chi cục đã tiến hành kiểm tra gần 1.400 lượt cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm. Qua đó đã phát hiện, nhắc nhở 34 cơ sở vi phạm với các lỗi như người chế biến không khám sức khỏe định kỳ, vệ sinh cơ sở, trang phục bảo hộ chưa đảm bảo theo quy định, tiến hành xử phạt 2 cơ sở với số tiền 10 triệu đồng. Lực lượng chức năng cũng tích cực tuyên truyền về việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong kinh doanh; nói không với các nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng…
Cùng với việc siết chặt quản lý các cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố, mỗi người cần phải trở thành một người tiêu dùng thông thái để chọn lựa các cơ sở chế biến đảm bảo vệ sinh. Từ đó góp phần đảm bảo sức khỏe của chính bản thân và gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết