Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao phát biểu khai mạc.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Hà Nội Lê Xuân Rao nêu rõ: Để nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến, tập huấn kiến thức về khoa học và công nghệ, Liên hiệp Hội Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao thực hiện nhiệm vụ “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển giao công nghệ, phổ biến, tập huấn kiến thức về khoa học và công nghệ trên địa bàn Hà Nội”.
Với 38 hội thành viên, Liên hiệp Hội Hà Nội luôn ý thức được trách nhiệm tập hợp đội ngũ trí thức đông đảo của Thủ đô để lựa chọn, kết nối những công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới, tiên tiến trong và ngoài nước, chuyển giao cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn Hà Nội thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, với chức năng tư vấn, phản biện xã hội, Liên hiệp Hội Hà Nội cũng tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên đề về giải pháp thúc đẩy nhanh, bền vững và hiệu quả các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo...
Tại hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm nhận xét, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước. Để các đơn vị phát huy tối đa năng lực, cần giao quyền chủ động về nguồn lực tài chính, giảm thủ tục hành chính và tăng định mức chỉ tiêu cho hoạt động khoa học công nghệ trong đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, cần thúc đẩy thành lập, tổ chức hoạt động các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời có cơ chế để khoa học công nghệ dễ tiếp cận, kết nối với các doanh nghiệp, tạo lập thị trường khoa học công nghệ phù hợp điều kiện Việt Nam.
Quang cảnh hội thảo.
Theo Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Dung, đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong Đông y là quá trình tạo ra, phát triển và áp dụng các giải pháp, công nghệ và phương pháp mới vào lĩnh vực y học cổ truyền nhằm tối ưu hóa hiệu quả và tính an toàn của Đông y, đồng thời tận dụng các tiềm năng của công nghệ hiện đại để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, hoạt động này còn khó khăn và hạn chế về tài chính, cơ sở hạ tầng, văn hóa, rủi ro và hợp tác… Để khắc phục, cần có đầu tư, đồng thời khuyến khích sự tương tác, hợp tác và sáng tạo trong mọi lĩnh vực liên quan để tạo môi trường thuận lợi và thông thoáng cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng chuyển giao công nghệ trong y học cổ truyền.
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao hoan nghênh các đề xuất, kiến nghị và bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều giải pháp được thực hiện hiệu quả.
Gửi phản hồi
In bài viết