Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hương Giang.
Theo đại diện Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tháng 12-2022, trong chuyến thăm Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm IMEC và đặt vấn đề với lãnh đạo IMEC về hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu sản xuất chíp bán dẫn. Để triển khai kết quả chuyến thăm này, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức buổi tọa đàm này nhằm thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu sản xuất chíp bán dẫn tại Việt Nam.
Trung tâm vi điện tử liên đại học - IMEC là trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong công nghệ chíp bán dẫn với hơn 5.500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ hơn 90 quốc gia. IMEC là phòng thí nghiệm trọng điểm không chỉ ở châu Âu mà là toàn cầu về công nghệ chíp bán dẫn.
Khách hàng của IMEC là các nhà cung cấp chíp lớn nhất hiện nay như Intel, Qualcomm, MediaTek và thông qua hợp tác với IMEC để có những định hướng về công nghệ, định hướng sản xuất cho các tập đoàn TSMC, UMC của Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc. Do vậy, việc Phó Chủ tịch IMEC Lode Lauwers đến Việt Nam và làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh dấu bước hợp tác, giúp Việt Nam có cơ hội để nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vi mạch.
Tại buổi tọa đàm, trả lời câu hỏi của đại diện doanh nghiệp Việt Nam, Phó Chủ tịch IMEC Lode Lauwers cũng đã khuyến cáo một số hướng đi quan trọng. Chẳng hạn, về việc làm phòng thí nghiệm 300 nano thì sẽ phù hợp hơn với phân khúc thị trường của Việt Nam; đối với các cơ sở nghiên cứu như trường đại học, IMEC khuyến cáo sử dụng các công nghệ 200 nano và nền tảng thiết kế chíp tương đối hiện đại…
Đại diện IMEC cũng có mong muốn sẵn sàng hợp tác về mặt đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch tại Việt Nam. Cụ thể là IMEC hợp tác đào tạo những người sẽ đào tạo ra các chuyên gia thiết kế vi mạch, cũng là nguồn nhân lực Việt Nam rất cần trong lĩnh vực thiết kế vi mạch.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, ở thời điểm hiện nay, thế mạnh lớn nhất của Việt Nam là nhân lực. Cụ thể, IMEC có hơn 5.500 chuyên gia hàng đầu thì đã có 5 người Việt Nam. Thêm nữa, với cộng đồng kỹ sư công nghệ thông tin, điện tử nói chung và chuyên ngành vi mạch nói riêng (số lượng kỹ sư tốt nghiệp hằng năm như cộng đồng điện tử khoảng 5.000 và riêng vi mạch là khoảng 50 người) thì đây là một thế mạnh để dần dần xây dựng hệ sinh thái vi mạch tại Việt Nam.
Sau buổi tọa đàm, Bộ Thông tin và Truyền thông và IMEC sẽ tiếp tục trao đổi kỹ hơn các ưu tiên, mục đích và mong muốn của mỗi bên. “Mục tiêu ngắn hạn trong năm nay, 2 bên sẽ cố gắng có hợp tác đào tạo bước đầu tại Việt Nam, lý tưởng nhất là sẽ có 1 trung tâm đào tạo được IMEC hỗ trợ trong năm 2023”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho biết.
Thông tin thêm về định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với lĩnh vực thiết kế vi mạch, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, hiện nay trong ngành công nghiệp vi mạch, không ai có thể làm việc một mình, ngay cả những nước lớn. Vì thế, Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái công nghiệp này. Từ khuyến nghị của IMEC, đầu tiên chúng ta có thể cung cấp các dịch vụ như dịch vụ đóng gói, kiểm thử, cung cấp các dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Sau đó, sẽ cân nhắc hoạt động sản xuất chíp tại Việt Nam, hoặc sẽ đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử. Bởi lẽ mảng nghiệp vụ đóng gói kiểu như chíp 3D là một hướng mới của thế giới và Việt Nam có cơ hội để tìm hiểu hướng đi này.
Gửi phản hồi
In bài viết