Bốc xếp container hàng hóa tại Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Ngoại giao kinh tế cũng tích cực hỗ trợ kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Việt Nam tiếp tục tranh thủ tối đa lợi thế của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với 60 đối tác, thúc đẩy đàm phán nâng cấp nhiều FTA hiện hành và tăng tốc đàm phán FTA với các đối tác mới; tích cực tham mưu, thúc đẩy đầu tư, thu hút nguồn lực để phát triển các ngành mới, đột phá.
Một trong những thành tựu nổi bật trong công tác ngoại giao kinh tế của nước ta là hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tiếp tục đà tăng trưởng. Tính đến 15/11, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt 681,48 tỷ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ năm 2023; riêng xuất khẩu đạt 352,38 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, thông qua công tác ngoại giao, Việt Nam cũng đã tích cực vận động, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lũy kế đến nay đạt hơn 491 tỷ USD.
Đây là những kết quả hết sức quan trọng, khẳng định sự hiệu quả và tiến bộ trong công tác đối ngoại nói chung và công tác ngoại giao kinh tế nói riêng của Việt Nam. Song bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác ngoại giao kinh tế có lúc vẫn còn bộc lộ một số bất cập, hạn chế; phản ứng chính sách còn chậm, có lúc chưa thực sự nhạy bén, sáng tạo.
Việc hợp tác kinh tế với một số địa bàn chiến lược còn chưa tương xứng với khuôn khổ quan hệ; khâu xử lý và tháo gỡ vướng mắc trong một số dự án chưa thực sự quyết liệt, rốt ráo.
Nỗ lực khai thác thị trường tiềm năng chưa có nhiều kết quả cụ thể mang tính đột phá; công tác quảng bá hình ảnh đất nước, hỗ trợ xúc tiến kinh tế đối ngoại chưa ngang tầm với tiềm năng.
Đội ngũ cán bộ làm công tác ngoại giao kinh tế năng lực còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết, nhất là trình độ ngoại ngữ, kiến thức luật kinh tế quốc tế trong thương lượng, đàm phán, vận động,...
Nhiều cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chưa làm tốt chức năng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước kịp thời xử lý các tranh chấp kinh tế quốc tế,...
Để chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp cần nhanh chóng khắc phục một số hạn chế; trong đó, tiếp tục cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế, thực tiễn để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra; tranh thủ các hoạt động đối ngoại cấp cao nhằm thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác kinh tế thực chất, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế với các đối tác.
Cùng với đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp, phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế. Điều quan trọng nhất là cần khai thác được những tiềm năng hợp tác với các đối tác mà Việt Nam đã nâng tầm, nâng cấp quan hệ; tận dụng, phát huy cao nhất thế và lực của đất nước, từ đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế và tạo ra những nguồn lực mới cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết