Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Tại cuộc gặp, một số Đại sứ Việt Nam mới được bổ nhiệm phát biểu bày tỏ vinh dự và cảm ơn Đảng, Nhà nước đã tin tưởng trao trọng trách; xác định đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực hết sức; cam kết trong nhiệm kỳ sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, trong đó tích cực thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế; vận động các nước, các tổ chức ủng hộ tăng cường hợp tác và giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc phát triển đất nước; đồng thời nỗ lực xây dựng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết, nhất trí, trách nhiệm, trong sạch, vững mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong những năm qua, ngành Ngoại giao Việt Nam trưởng thành rất nhanh và mạnh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được Đảng, Nhà nước đánh giá và ghi nhận.
Thủ tướng nêu rõ, công tác đối ngoại của Việt Nam được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng và thúc đẩy. Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 34 về một số định hướng lớn triển khai đường lối đối ngoại của Đảng; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 15 về ngoại giao kinh tế cùng các chủ trương, đường lối đối ngoại. Các Trưởng Cơ quan đại diện cần phải quán triệt những đường lối này.
Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, là nền kinh tế đang chuyển đổi; đang thực hiện thời kỳ quá độ với việc xây dựng nền dân chủ Xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình này, con người là trung tâm, chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển; chúng ta thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế; là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả với phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Chúng ta giữ nước “từ sớm, từ xa, từ khi chưa lâm nguy”; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, chống diễn biến hòa bình, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phòng ngừa, đấu tranh với các thế lực thù địch chống phá ta; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước, công dân ta ở nước ngoài.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu.
Thủ tướng nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc: “Phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm” của công tác đối ngoại. Mỗi Trưởng Cơ quan đại diện cần xác định ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, góp phần vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả là một ưu tiên cao trong nhiệm kỳ công tác của mình.
Muốn làm được việc này thì các đồng chí phải “hiểu mình, hiểu ta”, phải đưa cho bạn “những cái bạn cần chứ không phải những cái ta có”, “mang về những cái đất nước cần”; giữ mối liên hệ chặt chẽ trong nước; hiểu rõ năng lực, khả năng đáp ứng của đối tác với các đề xuất của ta; từ đó làm cầu nối đưa ta và đối tác đạt được những kết quả hợp tác cụ thể.
Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác; củng cố hơn nữa sự tin cậy, chân thành; tăng cường hơn nữa sự gắn kết lợi ích thực chất. Trong đó, cần xác định được trọng tâm hợp tác đối với từng đối tác vì quan hệ dù có toàn diện đến đâu hợp tác cũng cần có trọng tâm, trọng điểm.
Đại diện cán bộ ngoại giao phát biểu.
Nhóm các nước Đông Nam Á là các nước láng giềng, cùng trong ASEAN, cần chú trọng tăng cường kết nối nền kinh tế, củng cố đoàn kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.
Nhóm các nước ở châu Âu là các đối tác phát triển. Cần tận dụng được thế mạnh của họ về công nghệ và vốn, nhất là trong những lĩnh vực mới, lĩnh vực quan trọng với sự phát triển của đất nước như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực.
Nhóm các nước ở châu Phi là nơi tiềm năng và nhu cầu phát triển kinh tế còn rất lớn. Cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực ta có thế mạnh và bạn có nhu cầu, như hợp tác ba bên về nông nghiệp, xây dựng, viễn thông; tăng cường ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.
Nhóm các nước ở châu Mỹ, trong đó có nhiều nước Mỹ Latinh là bạn bè truyền thống của Việt Nam. Tình cảm trân quý bao năm nay vẫn vậy nhưng phải chuyển hóa được thành những lợi ích thực chất cho người dân hai nước qua các dự án cụ thể, biện pháp cụ thể. Ngoại giao là sức mạnh mềm nhưng có thể chuyển thành nguồn lực cho đất nước.
Nhóm các nước Trung Đông lâu nay chưa được thúc đẩy mạnh mẽ; đây là thị trường lớn, nhất là thực phẩm Hồi giáo Halal, cũng là thị trường dịch vụ tài chính phát triển mạnh mẽ, giảm bớt phát triển khai thác, chế biến dầu mỏ.
Thủ tướng lưu ý các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần quán triệt sâu sắc rằng góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ta, trong đó có chủ quyền biển đảo, là nhiệm vụ trọng yếu của mỗi cơ quan đại diện. Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề phát triển kinh tế biển, năng lượng mới, trong đó có điện gió. Đây là trách nhiệm với Tổ quốc, với dân tộc. Chúng ta phải kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam trong vấn đề này. Chúng ta phải bảo vệ quyền lợi đất nước bằng biện pháp hòa bình, do đó phải nghiên cứu chiến lược tổng thể; phải luôn giải thích cho bạn bè quốc tế hiểu vấn đề Biển Đông, nhất là tầm quan trọng của Biển Đông.
Thủ tướng lưu ý phải làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa, coi là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng. Văn hóa phải là vấn đề mang tính khoa học, đại chúng. Trong đó, về vấn đề bảo hộ công dân, chúng ta cần dành sự quan tâm thích đáng, làm tốt hơn nữa Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị; luôn kêu gọi sự đóng góp ủng hộ đất nước của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các cán bộ ngoại giao.
Thủ tướng cho rằng, làm ngoại giao phải chân thành, công tác bảo hộ công dân phải thật lòng, trách nhiệm, tình cảm, xem bà con như người nhà, ruột thịt của mình, tránh việc trục lợi; phải có hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ, không để bà con xa lánh mình để họ chia sẻ, đóng góp, luôn hướng về Tổ quốc, nhất là hướng vào giới trẻ; quan tâm việc tăng cường dạy tiếng Việt cho con em kiều bào.
Ngoại giao văn hóa thì cố gắng quảng bá truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của Việt Nam; đề nghị bạn tôn trọng sự khác biệt; đưa văn hóa trở thành, nỗ lực “đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững” theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trưởng các Cơ quan đại diện cần nêu gương cho các cán bộ, nhân viên về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, năng lực trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp và nhất là phải tập trung nghiên cứu chiến lược; gương mẫu, kiên định, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cư xử chân thành, tin cậy.
Thủ tướng cũng lưu ý, những vụ việc đáng tiếc vừa qua xảy ra trong ngành Ngoại giao là bài học sâu sắc cần phải rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; các Trưởng Cơ quan đại diện cũng phải gương mẫu trong việc này; quan tâm, tạo thuận lợi trong việc cấp visa; tăng cường đoàn kết nội bộ; chúng ta cũng cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách hợp lý đối với cán bộ, nhân viên Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; quan tâm vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ.
Thủ tướng mong Trưởng các Cơ quan đại diện phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của ngành Ngoại giao; thực hiện đường lối đối ngoại thật tốt đúng như mục tiêu về đường lối đối ngoại của Đảng đã đề ra; cố gắng khai thác hết các thuận lợi, hóa giải các khó khăn.
Thủ tướng chúc các đồng chí dự buổi tiếp một nhiệm kỳ công tác thành công; mạnh khỏe, hạnh phúc và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Gửi phản hồi
In bài viết