Quang cảnh hội nghị.
Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá kết quả các nhiệm vụ hợp tác du lịch năm 2024 của 6 tỉnh. Qua đó đề xuất những phương hướng, giải pháp tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương trong năm 2025.
Trong năm 2024, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với Sở Du lịch của 6 địa phương: Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên đã tăng cường hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Các hoạt động này đã được thực hiện thông qua nhiều hình thức như văn bản, email, điện thoại và các cuộc họp trực tiếp.
Những thông tin được chia sẻ bao gồm tình hình hoạt động du lịch, tình hình thị trường, phát triển sản phẩm, kế hoạch xúc tiến và các chính sách đối với cộng đồng và doanh nghiệp.
Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với Sở Du lịch của 6 địa phương thường xuyên thông tin cho nhau về kế hoạch tổ chức các sự kiện lễ hội, văn hóa, thể thao và du lịch để hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, thu hút khách du lịch. Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 6 tỉnh đã tích cực tham dự và trao đổi, thảo luận các giải pháp nhằm tăng cường công tác liên kết hợp tác tại các hội nghị do các tỉnh trong nhóm liên kết tổ chức.
Các tỉnh trong nhóm liên kết đã phối hợp triển khai các hoạt động chung nhằm mục tiêu phục hồi và phát triển du lịch trong nhóm. Bên cạnh đó, việc liên kết du lịch giữa thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền trung (Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) đã được đẩy mạnh.
Liên kết du lịch với Đồng bằng sông Cửu Long (gồm các tỉnh: Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Hậu Giang) và các tỉnh miền trung (gồm các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên) cũng góp phần tăng cường sự hợp tác và phát triển du lịch.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho biết, cụm liên kết 6 tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ngãi, Kon Tum và Phú Yên là sự kết nối giữa các tỉnh ven biển vùng duyên hải miền trung với các tỉnh Tây Nguyên, tạo nên hành trình trải nghiệm “lên rừng-xuống biển”.
Sự kết hợp này giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của từng địa phương và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển. Mỗi địa phương đều sở hữu nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn độc đáo, hấp dẫn, và việc kết nối những tài nguyên du lịch này thành các gói sản phẩm kích cầu du lịch nội địa là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết.
Nằm trong nhóm liên kết 6 tỉnh, Bình Định là tỉnh ven biển duyên hải Nam Trung Bộ, có lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế do nằm ở trung tâm của trục bắc-nam và là cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên.
Du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Định. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Bình Định luôn quan tâm ưu tiên dành nhiều nguồn lực để đầu tư, phát triển du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu, lãnh đạo các tỉnh đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, thống nhất những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch 6 địa phương đạt kết quả thiết thực trong thời gian tới.
Những hoạt động này không chỉ giúp chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch và nâng cao hình ảnh du lịch của từng địa phương. Sự liên kết và hợp tác này chắc chắn sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới, góp phần phát triển bền vững ngành du lịch của cả vùng.
Gửi phản hồi
In bài viết