Để đạt mục tiêu quốc gia có nhiều thành phố số hóa, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, từ năm 2019, Nhật Bản đã phân bổ tần số cho các nhà mạng phát triển dịch vụ, ứng dụng vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, Nhật Bản lựa chọn triển khai công nghệ Open Ran (kiến trúc mạng thông tin di động cho phép các mạng được tích hợp với nhau sử dụng các phần tử mạng từ nhiều nhà sản xuất khác nhau, giúp giảm 30% chi phí thiết bị). Cùng với đó là các chính sách miễn giảm thuế để thúc đẩy các công ty phát triển hạ tầng 5G; ưu đãi việc chia sẻ hạ tầng giữa các công ty phát triển hạ tầng với nhà mạng.
Hoặc với Hàn Quốc, từ năm 2017, nước này có chính sách phát triển công nghệ 5G; đến năm 2019 thương mại hóa dịch vụ 5G; năm 2022, Hàn Quốc đạt 22 triệu thuê bao. Dịch vụ nội dung và thiết bị đầu cuối giá hợp lý, nằm trong khả năng chi trả của nhiều người dân được coi là động lực thúc đẩy 5G phát triển nhanh tại Hàn Quốc.
Còn theo Tập đoàn Huawei, các giải pháp tối ưu băng tần là “chìa khóa” để giúp tăng tốc triển khai 5G. Đó là cơ quan quản lý cần có thử nghiệm tìm sự “chung sống hài hòa” giữa các dịch vụ di động và vệ tinh ở băng tần 3,5 GHz để nhà mạng cung cấp 5G (tại Việt Nam băng tần 3.5 GHz đang được dùng cho vệ tinh VINASAT). Cùng với đó là sử dụng các băng tần tầm trung (như 2,6 GHz) - được 80% nhà mạng trên thế giới khai thác cho 5G). Ngoài ra, trong tầm nhìn dài hạn, cần quy hoạch băng tần 6GHz cho dịch vụ 5G nâng cao… Đại diện Huawei cũng cho biết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy triển khai 5G trên quy mô lớn.
Theo Giám đốc Trung tâm mạng 5G của Tập đoàn Viettel Lê Trường Giang, việc triển khai 5G trên thế giới chủ yếu theo hai xu thế là Open Ran và Core. Trong đó, Open Ran mang tính chất đột phá với các thiết bị có tính tương thích. Viettel sử dụng nền tảng phần cứng chung theo Open Ran, đã tham gia vào Liên minh vô tuyến Open Ran, cam kết đẩy nhanh tiến độ phát triển mạng 5G tại Hà Nội và các thành phố lớn. Lãnh đạo Qualcomm tại Việt Nam cũng chia sẻ đang phối hợp triển khai hạ tầng 5G với Viettel theo chuẩn Open Ran. Được biết, đến đầu tháng 9-2022, Viettel là nhà mạng đã hoàn thành việc lắp đặt hạ tầng 5G lớn nhất với 168 trạm BTS và cũng là nhà mạng được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép lắp đặt BTS 5G nhiều nhất với 930 vị trí.
Từ năm 2020, Việt Nam đã là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G, nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ. Thông tin cụ thể hơn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Phong Nhã cho biết, thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố. Việt Nam muốn thúc đẩy các công ty nghiên cứu, sản xuất thiết bị đầu cuối kết nối 5G; đồng thời sẽ thí điểm 5G ở khu công nghệ cao, các trường đại học, viện nghiên cứu,... và đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% dân số có kết nối 5G.
Thông tin về tần số cho 5G, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Thái Hòa cho biết, 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới đây. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng dần. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, các nước trong khu vực ASEAN có chiến lược phát triển 5G nhưng đang phải đối mặt với các vấn đề, như tiêu chuẩn cho triển khai 5G, phân bổ tần số, an toàn cho mạng 5G. Sự chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến triển khai 5G ở góc độ cơ quan quản lý; từ thực tiễn sử dụng, triển khai có ý nghĩa lớn với các nước trong khu vực và Việt Nam. Do vậy, các nước ASEAN hợp tác cùng xây dựng lộ trình 5G là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu ưu tiên thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết