Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo: Nhân lực chất lượng cao là then chốt

Nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực khoa học công nghệ đóng vai trò quyết định, động lực chủ yếu, yếu tố đột phá cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TƯ ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

nhan-luc.jpg

Sinh viên cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội trong giờ thực hành.

Yếu tố cạnh tranh cốt lõi

Thu hút và phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao ngày nay đã trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia.

Là một trong những trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu Việt Nam, mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết hợp tác với Công ty VinFast nhằm tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm công nghệ. Chỉ trong 7 năm, từ một doanh nghiệp non trẻ phụ thuộc vào các nhà thầu nước ngoài, đến nay, VinFast đã làm chủ hoàn toàn các công nghệ quan trọng, từ thiết kế ngoại thất, mô phỏng CAE, đến các hệ thống điện tử và phần mềm hỗ trợ tự lái cho công nghệ sản xuất xe điện.

Phó Tổng Giám đốc VinFast Trịnh Văn Ngân thông tin, hiện có hơn 74% kỹ sư của VinFast là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Các kỹ sư Việt Nam có nền tảng tốt, khả năng học hỏi nhanh chóng và có thể nắm bắt các công nghệ mới trong thời gian ngắn khi được tiếp cận và hướng dẫn bởi các chuyên gia quốc tế.

Thượng tá Cao Anh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đang làm việc tại Viettel chiếm khoảng 25%; cán bộ quản lý tập đoàn là cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội chiếm khoảng 50%; riêng mảng nghiên cứu của Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, con số này là hơn 50%.

Rõ ràng, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ là cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao, nuôi dưỡng và phát triển nhân tài khoa học, công nghệ, mà còn là những trung tâm nghiên cứu lớn, đi đầu trong chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện nay, cả nước có khoảng 90.000 giảng viên với 1/3 có trình độ tiến sĩ, khoảng trên 120.000 học viên sau đại học, cùng với khoảng 85% số công bố quốc tế cũng như các phát minh sáng chế, giải pháp khoa học công nghệ. Do vậy, để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bắt đầu từ đột phá trong phát triển giáo dục đại học.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Phó Giáo sư Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin truyền thông (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, để phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, giải pháp đầu tiên là tăng cường ngân sách đầu tư để nhanh chóng phát triển hệ thống giáo dục đại học tiệm cận trình độ quốc tế. Nếu giáo dục đại học chỉ dựa vào học phí mà không nhận được sự đầu tư của Nhà nước, các đại học có thể xa rời sứ mệnh của mình trong duy trì và phát triển nền tảng nhân lực, nền tảng khoa học công nghệ cho đất nước, cả hệ thống đứng trước nguy cơ xóa sổ một loạt ngành thiết yếu (nhưng kém hấp dẫn trong tuyển sinh) như: Vật liệu, luyện kim, ô tô, vật lý hạt nhân… Như vậy, quyết tâm làm đường sắt cao tốc, làm điện hạt nhân, làm ô tô điện… sẽ trở thành những mục tiêu duy ý chí vì không có đội ngũ nhà giáo, đội ngũ chuyên gia, không có nguồn lực tạo nên nền tảng khoa học - công nghệ.

Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, đội ngũ nhân lực là yếu tố quyết định trong việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng như các dự án năng lượng trọng điểm khác của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, nhân lực công nghệ hạt nhân vẫn là một “mảng trống” lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng, như: Lò phản ứng hạt nhân, vật liệu và nhiên liệu hạt nhân, máy gia tốc...

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định cần hoàn thiện thể chế cho phát triển giáo dục đại học với mục tiêu tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng các nguồn lực, phát huy tiềm năng của tự chủ đại học, phát triển các cơ sở giáo dục đại học thành các trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo mạnh. Bên cạnh đó là các chính sách ưu đãi thuế, tiếp cận vốn vay với các cơ sở giáo dục đại học và các nhà đầu tư cho giáo dục đại học, chính sách hỗ trợ tài chính cho người học, chính sách hỗ trợ đào tạo và thu hút giảng viên, đặc biệt là chuyên gia nước ngoài...

Về nhân lực cho điện hạt nhân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Việt Nam cần phải xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút sinh viên cũng như chính sách thu hút người làm việc trong lĩnh vực này. Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực, cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khoa học và kỹ thuật phục vụ phát triển điện hạt nhân, dự kiến sẽ trình Thủ tướng ban hành trong quý III-2025.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục