Thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm

-Trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh có những điểm sáng, mức độ tăng trưởng đạt 50,9% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tỉnh đã xây dựng phương án phục hồi sản xuất nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa những tháng cuối năm.

Công nhân Công ty TNHH MSA-YB hăng hái thi đua lao động sản xuất góp phần tăng năng suất lao động,
 thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.

6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 104,9 triệu USD, tăng 50,9% so với cùng kỳ năm trước. Đây là động lực để từ nay tới cuối năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu bứt tốc, đạt tăng trưởng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như quần áo các loại, giấy đế, đũa gỗ bồ đề, bao bì PP, gỗ dán, gỗ ván ép, gỗ ván sàn, chè... Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực trên địa bàn tỉnh đã có phương án khắc phục khó khăn, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do dịch Covid-19, qua đó duy trì sản xuất, ổn định hàng hóa.

Những ngày này, gần 2.000 lao động của Công ty TNHH MSA-YB, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đang tích cực thi đua lao động sản xuất. Ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Hành chính nhân sự cho biết: Công ty tập trung thu hút nguồn lao động đẩy mạnh sản xuất để kịp thời hoàn thành các đơn hàng cho đối tác. Hiện công ty đã hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm. Mục tiêu của công ty từ nay đến cuối năm phấn đấu sản xuất được 2 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 235 tỷ đồng. Để hoàn thành kế hoạch này, công ty tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất trong các tổ, nhóm. Và thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt như tăng ca, tăng giờ, dự trữ nguyên liệu để hoàn thành hết các đơn hàng đã ký kết.

Cũng như Công ty TNHH MSA-YB, 17 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đã linh hoạt giải pháp, đồng loạt tăng tốc sản xuất, kinh doanh để bảo đảm tiến độ giao hàng tới các đối tác nước ngoài. Từ đó, đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2022, đồng thời tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho năm 2023.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, việc kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở trong nước đã giúp các hoạt động kinh tế nhộn nhịp trở lại. Đồng thời, nhu cầu thị trường sẽ có xu hướng tăng mạnh vào dịp mua sắm cuối năm là cơ hội để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã và đang khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu.

Cán bộ chi cục Hải quan Tuyên Quang hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa thông quan trên hệ thống điện tử.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu, Sở Công Thương đã kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm xuất khẩu với đối tác có nhu cầu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề tiêu thụ hàng hóa; kịp thời thông tin biến động của thị trường, tìm kiếm cơ hội thị trường mới cho doanh nghiệp, ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh; duy trì ổn định các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của tỉnh (giấy in viết, hàng may mặc, đũa gỗ, phong bì, giấy đế), đồng thời, tham mưu mở rộng các mặt hàng xuất khẩu, trong đó tập trung vào mặt hàng chế biến nông, lâm sản, giày da, công nghiệp hỗ trợ.

Về phía Chi cục Hải quan Tuyên Quang đã giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; bố trí cán bộ, công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa, xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ. Chi cục tổ chức hội nghị đối thoại Hải quan - Doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu; duy trì nghiêm túc, có hiệu quả tổ giải quyết vướng mắc tại trụ sở; thành lập các tổ công tác đến doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ, giải quyết vướng mắc phát sinh cho các doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Hải Hương

Tin cùng chuyên mục