Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin-cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin-cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tinh thần phân cấp, phân quyền, địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm đã được hiện thực hoá trong Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Báo cáo Quốc hội trong phiên họp sáng 29/10/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ 5 nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Theo đó, phân cấp thẩm quyền cho Thủ tướng Chính phủ trong điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng; phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương, các khoản vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý; phân cấp thẩm quyền, đơn giản hóa trình tự, thủ tục phê duyệt, điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án sử dụng vốn nước ngoài…
Đang được Quốc hội thảo luận, xem xét cho ý kiến, sau khi được thông qua, Luật Đầu tư công sửa đổi mang kỳ vọng sẽ tháo gỡ các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực đầu tư công, hoàn thành các mục tiêu lớn của đất nước.
Những cải cách, thay đổi mang tính chất đột phá như vậy chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XIII ngày 18/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tổ chức vài ngày sau đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ tinh thần trong Hội nghị Trung ương 10 Khoá XIII là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; lưu ý phải tránh việc bất cứ việc gì cấp dưới cũng lên "xin" cấp trên mà phải căn cứ vào quy định; không thể bất cứ vấn đề gì dù nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương quyết. Quan điểm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" một lần nữa lại được đề cập tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, trực tuyến với 63 địa phương tổ chức ngày 7/10/2024. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Không có lý do gì mà chúng ta không phân cấp, phân quyền; không có lý do gì mà không xóa bỏ cơ chế xin-cho. Quá trình thực hiện có thể có vướng mắc, xuất hiện các mâu thuẫn thì chúng ta tiếp tục giải quyết.
Bày tỏ sự ủng hộ, đánh giá cao quan điểm chỉ đạo cũng như những động thái thực hiện việc phân cấp, phân quyền nêu trên, chuyên gia kinh tế Đỗ Hoà, thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Business Review đưa ra một cách tiếp cận khác từ góc độ khoa học quản trị. Nghĩa là, để thực hiện phân cấp, phân quyền hiệu quả, địa phương phải quyết, phải làm, phải chịu trách nhiệm, các cá nhân có trách nhiệm không né tránh, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ trong thẩm quyền được giao, cần áp dụng và phát huy các chính sách và công cụ quản trị nguồn nhân lực đã được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng thành công.
"Đầu tiên, mô tả chức năng nhiệm vụ của từng vị trí, phân công, chức năng, nhiệm vụ rõ ràng, để người chịu trách nhiệm không vượt quá thẩm quyền, cũng không né tránh không quyết, không chịu trách nhiệm.
Thứ hai, cần bảng tiêu chuẩn năng lực với các tiêu chuẩn chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm, năng lực cần phải có để đáp ứng nhiệm vụ được giao, tuyển chọn và bồi dưỡng đúng người đúng việc.
Thứ ba, xây dựng thang lương theo năng lực, phản ánh trình độ, năng lực và trách nhiệm đối với vị trí công tác, thu nhập và quyền lợi phản ánh chất lượng công việc và công đóng góp của từng cá nhân.
Thứ tư, mô tả công việc rõ ràng phải đi cùng với thước đo đánh giá công việc, để mỗi cá nhân nhận thức và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao đúng theo yêu cầu.
Cuối cùng, khi chất lượng thực hiện công việc của công chức được đánh giá một cách khoa học và công minh, đó là căn cứ để đưa ra các hình thức khen thưởng, kỷ luật, là tiêu chí để đề bạt, bổ nhiệm, thăng tiến", ông Đỗ Hoà phân tích.
Trên thực tế, trong vấn đề đầu tư công, theo Chỉ thị số 26-CT/TTg ngày 8/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận, biểu dương 11 bộ, cơ quan Trung ương và 38 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt được kết quả giải ngân kế hoạch 7 tháng năm 2024 trên mức trung bình của cả nước; đồng thời nghiêm khắc phê bình 33 bộ, cơ quan Trung ương và 25 địa phương có tỉ lệ giải ngân kế hoạch 7 tháng đầu năm dưới mức trung bình của cả nước.
Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo số lượng nhân lực, lựa chọn cán bộ có đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm để phân công thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới công tác giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Ghi nhận sự quyết liệu này, chuyên gia Đỗ Hoà bổ sung, điểm mấu chốt để quản trị nguồn nhân lực một cách khoa học là vấn đề thành tích. Khi kết quả điều hành, xử lý công việc của một công chức, không phân biệt ở vị trí được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí đã xây dựng và công khai, năng lực làm việc của họ sẽ được minh bạch. Ai làm tốt sẽ được giữ lại, nhận mức lương tương xứng, ai không làm tốt sẽ bị nhắc nhở, sắp xếp lại vị trí công tác, thậm chí, cho thôi việc. Thành tích là một trong những điều kiện để được xem xét giới thiệu đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo phù hợp với năng lực, cùng với các điều kiện quan trọng khác.
"Trung Quốc và Singapore đều áp dụng dụng cách quản trị nhân lực khoa học, chú trọng vào thành tích công tác và họ đã đạt được những thành tựu đáng kể. Muốn lựa chọn được cán bộ, công chức có năng lực, đồng thời, để họ phát huy được năng lực đó cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam tương lai, chúng ta cũng nên làm như vậy", thành viên Hội đồng cố vấn Harvard Business Review nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết