Đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Hoàng Việt Phương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ngành, hệ thống ngân hàng, lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Trong 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã hỗ trợ trên 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19 vay vốn để trả lương cho lao động và phục hồi sản xuất...
Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Trong giai đoạn 2001-2005 chính sách tín dụng xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc từ 17% xuống 7%, giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%, giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, đặc biệt giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%. Chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ghi nhận những kết quả đạt được của chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng chí Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là giải pháp sáng tạo rất phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam vừa góp phần phát triển kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam, duy trì và thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tâp trung huy động, đa dạng hóa nguồn lực để phục vụ nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế khu vực khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác... góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết