Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp viễn thông di động thực hiện triển khai những biện pháp kết nối, cung cấp dữ liệu, đối soát trong cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo đó, thông tin cần chuẩn hóa, chủ thuê bao sẽ phải cung cấp ảnh chân dung, mặt trước sau của căn cước công dân, họ tên, ngày, tháng, năm sinh... Các nhà mạng sẽ khóa 1 chiều với những thuê bao có thông tin không trùng khớp với thông tin đối soát với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau đó sẽ khóa thông tin 2 chiều với những thuê bao này và sau 2 tháng sẽ chấm dứt hợp đồng nếu thuê bao không đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định.
Nhân viên Viettel hỗ trợ khách hàng chuẩn hóa thông tin cá nhân thuê bao điện thoại.
Ngay từ tháng 1-2023, Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel) chi nhánh Tuyên Quang đã triển khai lộ trình chuẩn hóa thông tin cho khách hàng. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc Viettel Tuyên Quang cho biết, để chuẩn hóa thông tin thuê bao Viettel khách hàng thực hiện tải ứng dụng My Viettel và làm theo hướng dẫn. Bên cạnh đó, hệ thống tin nhắn tự động của Viettel gửi tin đến 100% khách hàng có thuê bao hướng dẫn và thực hiện chuẩn hóa qua đường link web/My VT.
Trường hợp khách hàng không thực hiện, Viettel sẽ mời đến các điểm giao dịch gần nhất hoặc hỗ trợ trực tiếp để chuẩn hóa thông tin thuê bao. Viettel đang duy trì hơn 200 đội lưu động với hàng trăm nhân viên ở tất cả các xã, phường, thị trấn để phục vụ hỗ trợ khách hàng mọi lúc, mọi nơi. Mục tiêu Viettel đặt ra, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, không làm ảnh hưởng đến những thuê bao đã có thông tin đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao. Và tính đến giữa tháng 3, Viettel Tuyên Quang đã thực hiện chuẩn hóa thông tin cho gần 90% khách hàng.
Chị Nguyễn Mai Yên, thôn Làng Nhà, xã Kim Quan (Yên Sơn) cho biết, nhân viên Viettel rất nhiệt tình hỗ trợ chị chuẩn hóa, xác thực thông tin cá nhân thuê bao nhằm bảo vệ quyền lợi đồng thời khẳng định “chính chủ” thuê bao chị đang sử dụng.
Đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Vinaphone cũng đang ráo riết hỗ trợ khách hàng xác thực, chuẩn hóa các thông tin cá nhân thực hiện thuê bao. Ông Trần Văn Cường, Trưởng phòng điều hành nghiệp vụ Trung tâm kinh doanh VNPT khẳng định, Vinaphone huy động hết lực lượng cán bộ, nhân viên, kỹ thuật để hỗ trợ chuẩn hóa thông tin thuê bao cho khách hàng. Theo ông Cường, có 4 cách để khách hàng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao: Cách 1, khách hàng đến cửa hàng của Vinaphone nơi gần nhất để được hỗ trợ. Cách 2, tải ứng dụng của Vinaphone, đăng nhập số điện thoại cần đăng ký thông tin bằng OTP và thực hiện theo hướng dẫn.
Cách 3, chuẩn hóa thông tin qua website bằng cách nhập số thuê bao cần cập nhật thông tin, thực hiện tải ảnh gồm: Ảnh giấy tờ mặt trước, ảnh giấy tờ mặt sau và ảnh chân dung đồng thời kiểm tra các thông tin mà hệ thống đã trích xuất dữ liệu từ ảnh tải lên gồm: Họ tên, ngày sinh, giới tính, số Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân (Không được phép chỉnh sửa), ngày cấp, nơi cấp. Khi thông tin đã chuẩn, chỉnh, khách hàng nhấn xác thực thông tin để hoàn thành thao tác thay đổi thông tin thuê bao. Đối với khách hàng đặc thù (lớn tuổi, tàn tật) nhân viên khu vực của Vinaphone sẽ hỗ trợ tại nhà. Ngoài ra Tổng đài chăm sóc khách hàng của Vinaphone 18001091 hoạt động 24/7, giải đáp mọi thông tin cần thiết trong quá trình chuẩn hóa lại thông tin thuê bao. Tính đến ngày 15-3, Vinaphone đã chuẩn hóa cho 80% khách hàng.
Trưởng phòng điều hành nghiệp vụ Trung tâm kinh doanh VNPT Trần Văn Cường và Giám đốc Viettel Tuyên Quang Nguyễn Hồng Chuyên cho rằng, bên cạnh những thuận lợi việc chuẩn hóa thông tin cho khách hàng đang gặp khó do một số khách hàng không nghe máy hoặc không phản hồi tin nhắn của nhà mạng. Chưa kể khách hàng ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khách hàng làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trong quá trình làm việc thường tắt máy rất khó để tiếp cận… Điều này làm ảnh hưởng đến tiến độ chuẩn hóa thông tin thuê bao đặt ra của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, chuẩn hóa thông tin thuê bao là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đồng thời sẽ ngăn chặn các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục… 3 nhà mạng lớn đang có thị phần trên địa bàn tỉnh gồm Viettel, Vinaphone, Mobiphone trong quá trình rà soát chuẩn hóa nếu phát hiện thông tin không chuẩn chỉnh, không đúng quy định hoặc chủ thuê bao không đăng ký thông tin cá nhân các nhà mạng sẽ tạm dừng hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước.
Gửi phản hồi
In bài viết