Tiếp và làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố.
Các đại biểu dự buổi làm việc.
Thời gian qua, tình hình phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, các chỉ tiêu chủ yếu về lĩnh vực công nghiệp năm sau, cao hơn năm trước. Các dự án phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất gắn với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, mở rộng theo vùng, địa bàn, theo hướng phát triển đa ngành. Đồng thời duy trì và phát huy một số ngành công nghiệp có lợi thế, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 2 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu công nghiệp Long Bình An và Sơn Nam với tổng diện tích 320ha. Tỉnh đã thành lập 6 cụm công nghiệp, tổng diện tích 753 ha, gồm: Khuôn Phương, An Thịnh, Tân Thành, Phúc Ứng, Ninh Lai - Thiện Kế, Thắng Quân. Toàn tỉnh có 21 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 7.600 tỷ đồng. Trong đó, có 4 dự án vốn nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký là 28,4 triệu USD.
Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Về giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) qua các năm là: Năm 2021 đạt 15.156 tỷ đồng; năm 2022 đạt 17.670 tỷ đồng; năm 2023 đạt 20.450 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 3 năm giai đoạn 2021 - 2023 là 16,75%.
Tại buổi giám sát, đại diện các sở, ngành liên quan đã giải trình làm rõ các nội dung Đoàn giám sát quan tâm như: tiến độ thực hiện các dự án; giải quyết dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng; cải cách thủ tục hành chính; công tác xử lý các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm…
Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân đã ghi nhận những kết quả triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính, cũng như tập trung thực hiện các giải pháp thực hiện mặt bằng sạch tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh trong việc cải cách thủ tục hành chính trong thẩm định hồ sơ, quy trình thủ tục cho thuê đất, giao đất. Chương trình cà phê doanh nhân tiếp tục có những cải cách, đổi mới để tăng thêm hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn cơ bản nhất trí, đồng tình với những nội dung, kiến nghị của Đoàn giám sát đã nêu. Việc thành lập các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay đang vướng mắc liên quan đến hạn ngạch đất và cả những vướng mắc liên quan đến tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở ngành làm tốt công tác quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các dự án của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến việc quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh góp phần thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết