Dự buổi làm việc có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy kết luận buổi làm việc. Ảnh: Thành Công
Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, ngành đã kịp thời tham mưu triển khai thực hiện khâu đột phá, các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; chủ động đề xuất các mặt công tác của ngành với tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trong đó, tập trung vào công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kế hoạch trong giai đoạn tới; xây dựng và tổ chức thực hiện đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra; lãnh đạo điều hành thực hiện tốt kế hoạch phát triển sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, di dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nước sạch nông thôn, quản lý các công trình thủy lợi, xây dựng phương án nâng cao các sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới…
Tuy nhiên, trong 8 tháng qua ngành nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng thời tiết bất thường gây khó khăn cho sản xuất, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn tới nhiều sản phẩm nông nghiệp gặp khó trong việc tiêu thụ; Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới còn chậm… dẫn đến chưa phát triển được hết tiềm năng, lợi thế và chưa thực sự nâng cao thu nhập cho 50% lao động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tỉnh.
Các đại biểu quan tâm thảo luận một số nội dung: Chăn nuôi bò sữa trong nông hộ liên kết với doanh nghiệp (trong đó doanh nghiệp cam kết cung cấp con giống, kỹ thuật nuôi), trồng cây ngô sinh khối cung cấp chăn nuôi bò sữa; vùng nguyên liệu mía, chè; vấn đề đầu ra của cá lồng; khó khăn trong nguồn vốn, chất lượng cây giống sản xuất kinh doanh lâm nghiệp; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Công
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của ngành, từ đầu năm 2021 tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt tăng trưởng 4,3%. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong thời gian tới ngành thực hiện hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, đặc biệt thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để thay đổi tư duy của người nông dân trong sản xuất, hướng tới sản xuất theo chuỗi liên kết. Ngành phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối kinh phí quan tâm chỗ ở cho lực lượng kiểm lâm; kinh phí cho người tuần rừng…
Thường trực Tỉnh ủy tặng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cụm Tượng đài Bác Hồ với nhân dân
các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thành Công
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thời gian qua. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra hạn chế của ngành là thiếu tính liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; vẫn còn để xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép; công tác kiểm tra giám sát theo chức năng, nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu…
Đồng chí đề nghị, ngành cần làm rõ việc đã làm được và khó khăn, vướng mắc trong thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới; làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh để có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Ngành phối hợp với các ngành, các địa phương quan tâm lai tạo, cấy ghép các giống cây trồng chủ lực, cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất. Đồng thời lưu giữ các giống cây bản địa quý hiếm; đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông để làm tốt khâu bao tiêu sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Ngành liên kết chặt chẽ với các địa phương, hướng dẫn người dân về kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ tiêu thụ nông sản để phát triển vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả, giảm thiểu tối đa việc "được mùa mất giá". Đối với sản xuất các sản phẩm OCOP, ngành cần có phương án hướng dẫn các địa phương nâng quy mô, chất lượng sản phẩm, tem truy xuất ngồn gốc, thiết kế bao bì sản phẩm đảm bảo các yếu tố về thẩm mỹ, phấn đấu có sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, quốc tế.
Ngành tiếp tục tập trung nuôi các loại cá đặc sản có giá trị gia tăng cao; sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, kết hợp trồng cây dược liệu dưới tán rừng; kiểm soát, quản lý tốt chất lượng giống cây lâm nghiệp, nghiên cứu trồng các loại cây có bản sắc ở các tuyến đường, tạo cảnh quan thu hút du lịch; trồng các loại cây bản địa phân tán tại các hộ gia đình, khu dân cư, phấn đấu đến 2025 tỉnh có sản phẩm gỗ mang thương hiệu quốc gia, thành trung tâm sản xuất gỗ mỹ nghệ của quốc gia, khu vực. Ngành tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để học chuyển giao khoa học kỹ thuật; tiếp tục phối hợp các ngành thực hiện quả các chương trình, kế hoạch.
Về công tác xây dựng Đảng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, ngành quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, tăng cường đấu tranh tự phê bình và phê bình, thường xuyên theo dõi, đề xuất công tác giao việc đổi mới, đột phá, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Gửi phản hồi
In bài viết