Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer trong cuộc họp báo sau phiên họp chiến lược của đảng Dân chủ tại Đồi Capitol, ngày 21 - 5. Ảnh: ABCnews
Dự luật không đạt được số phiếu cần thiết là 60 khi tỷ lệ bỏ phiếu là 43-50, vì gần như tất cả thành viên đảng Cộng hòa đều bỏ phiếu chống. Cuộc bỏ phiếu đối đầu diễn ra khi cả hai đảng đều cố gắng thể hiện sự cứng rắn về an ninh biên giới trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer cuối tuần trước đã lên kế hoạch đưa dự luật này trở lại trong một cuộc bỏ phiếu độc lập, khi văn kiện này từng được gắn với dự luật viện trợ cho Ukraine và Israel. Ông Schumer nhận định cuộc bỏ phiếu hôm 23-5 đã mang đến cho các nghị sĩ ở cả hai đảng cơ hội chứng minh liệu họ có nghiêm túc trong việc giải quyết các thách thức ở biên giới phía Nam hay không.
Động thái của ông Schumer nhằm thúc đẩy dự luật biên giới được thông qua vào cuối tháng 5 khi nhập cư và an ninh biên giới là vấn đề hàng đầu đối với cử tri ở cả hai đảng. Trong khi các lãnh đạo Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát gọi dự luật nói trên mang động cơ chính trị, Nhà Trắng lại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với dự luật này.
Sau khi cuộc bỏ phiếu thất bại, Tổng thống Joe Biden đã chỉ trích đảng Cộng hòa vì “đặt chính trị đảng phái trước an ninh quốc gia của đất nước” và ông sẽ “không ngừng đấu tranh để cung cấp các nguồn lực mà nhân viên biên giới và nhập cư cần”.
Tổng thống Biden nói: “Các đảng viên Cộng hòa không quan tâm đến việc đảm bảo an ninh biên giới hay sửa chữa hệ thống nhập cư đang bị hỏng hóc của Mỹ. Nếu không, họ đã bỏ phiếu cho biện pháp thực thi biên giới cứng rắn nhất trong lịch sử. Thay vào đó, họ đặt chính trị đảng phái lên trên an ninh quốc gia của đất nước”
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, trong một tuyên bố đã cáo buộc ông Schumer "lãng phí thời gian" cho một dự luật mà ông cho rằng sẽ không bao giờ có cơ hội được Hạ viện thông qua.
Nỗ lực thông qua dự luật biên giới được thúc đẩy trong bối cảnh số người di cư bị bắt khi vượt biên giới giữa Mỹ và Mexico đã tăng lên mức kỷ lục kể từ năm 2021.
Thêm vào đó, an ninh biên giới đang nổi lên là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa đương kim Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump. Các cuộc thăm dò dư luận cũng cho thấy, nhiều khả năng nhập cư và an ninh biên giới sẽ là vấn đề tác động lớn tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Gửi phản hồi
In bài viết