Những vi phạm ở các cơ quan, địa phương nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, của cơ quan Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội.
Nhìn lại thì thấy, trong kiểm điểm của những người vi phạm trước đây, thì ngay cả cán bộ cao cấp cũng đều biện hộ nguyên nhân là do không am hiểu về luật pháp, quá tin vào cấp dưới...
Dư luận cho rằng, biện hộ này thật đáng buồn và đáng hổ thẹn. Nhiều người nêu câu hỏi: Làm gì có chuyện không am hiểu pháp luật, khi cán bộ lãnh đạo đều là những người đã có bằng cấp chứng chỉ đầy mình mới được bổ nhiệm. Không am hiểu pháp luật thì chỉ có thể họ là những người đang xài bằng cấp giả, hoặc bằng cấp thật nhưng học giả đó thôi.
Dư luận cũng cho rằng, làm gì có chuyện quá tin vào cấp dưới. Vì khi anh đã giữ một cương vị nghĩa là anh phải hoàn toàn trách nhiệm về những việc mình làm trên cương vị ấy. Cho rằng “quá tin” cấp dưới thì chỉ có 2 cách hiểu: một là anh không đủ năng lực đảm nhận nhiệm vụ đó để nhận ra cái sai trước khi thực hiện, hai là anh biết sai mà vẫn làm.
Nói gì thì nói, những cán bộ vi phạm chính là những “con sâu làm rầu nồi canh”, là những người bị tha hóa bởi lòng tham, bởi chủ nghĩa cá nhân, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, buông lỏng quản lý, bất chấp nguyên tắc tổ chức và xây dựng Đảng...
Nhân dân phấn khởi vì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đang thực hiện quyết liệt, dần đưa ra ánh sáng những vi phạm, tha hóa. Nhân dân cũng mong muốn đây tiếp tục là những tiếng chuông cảnh tỉnh để cán bộ, đảng viên thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để “nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác gột rửa” như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nghiêm khắc nhắc nhở.
Gửi phản hồi
In bài viết