Nguồn: lenews.ch
Theo các nhà khoa học tại CHUV và EPFL, kháng thể đơn dòng này nhắm mục tiêu là protein gai của vi rút SARS-CoV-2, vốn có tác dụng giúp vi rút SARS-CoV-2 gắn vào thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ.
Kết quả nghiên cứu khẳng định kháng thể đơn dòng này có hiệu quả trong việc vô hiệu hóa tất cả biến thể của vi rút đã được xác định cho đến nay, bao gồm cả biến thể siêu lây nhiễm Delta.
Kháng thể mới này được phát hiện trong tế bào lympho (tế bào miễn dịch tiêu diệt các tế bào bị nhiễm bệnh) của người mắc Covid-19. Đây là kháng thể mạnh nhất cho tới nay có thể chống lại Covid-19.
Ngoài ra, kháng thể dường như liên kết với một khu vực không bị đột biến ở vùng gắn thụ thể của protein gai. Nó ngăn protein gai liên kết với các tế bào có thụ thể ACE2, vốn được vi rút SARS-CoV-2 sử dụng để xâm nhập và lây nhiễm cho các tế bào phổi.
Điều đó có nghĩa là kháng thể ngăn chặn quá trình sao chép vi rút, cho phép hệ thống miễn dịch của người mắc bệnh loại bỏ SARS-CoV-2 khỏi cơ thể. Cơ chế bảo vệ này đã được chứng minh thông qua các thí nghiệm trên chuột.
Theo các nhà khoa học, kháng thể mới này có thể giúp bảo vệ người mắc bệnh trong 4-6 tháng. Đây được xem là một lựa chọn điều trị dự phòng rất khả quan đối với những người có nguy cơ mắc bệnh nhưng chưa được tiêm chủng hoặc những người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhưng không thể tạo ra phản ứng miễn dịch.
Hiện CHUV và EPFL đang lên kế hoạch sản xuất một loại thuốc có chứa kháng thể này. Công tác thử nghiệm lâm sàng loại thuốc này dự kiến bắt đầu vào cuối năm 2022.
Các nhà khoa học Thụy Sĩ cho rằng việc phát hiện ra kháng thể mới là bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại Covid-19, giúp mở ra cánh cửa cải thiện các phương pháp điều trị bệnh nặng và tăng cường các biện pháp dự phòng, đặc biệt đối với bệnh nhân có hệ miễn dịch bị suy yếu.
Mặc dù vậy, giới nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng khám phá khoa học này không nhằm thay thế vắc xin ngừa Covid-19, bởi tiêm vắc xin hiện vẫn là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa vi rút SARS-CoV-2.
Gửi phản hồi
In bài viết