Cán bộ Phòng Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tuyên truyền công tác ATVSLĐ tại Công ty TNHH Feldspar An Bình (Sơn Dương).
Những ngày này, dù trời nắng nóng nhưng không khí lao động, sản xuất tại Nhà máy sản xuất thép của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang ở Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) vẫn diễn ra sôi nổi, thi đua hưởng ứng Thánh hành động về ATVSLĐ và lập thành tích trong Tháng công nhân năm 2023. Ở tất cả các bộ phận sản xuất thường xuyên được quán triệt, tuyên truyền đầy đủ về việc chấp hành những quy định về ATVSLĐ.
Đội ngũ vệ sinh viên tại Công ty được duy trì nhằm nhắc nhở, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn khi làm việc, công nhân làm việc đều được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc như: quần áo bảo hộ, mũ, gang tay, khám sức khỏe định kỳ… Ông Tăng Quý Quang, Chánh Văn phòng Công ty cho biết, Công ty luôn quan tâm đến công tác tập huấn, tuyên truyền về ATVSLĐ nhờ đó đã giúp nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy công ty ngày càng phát triển. Hàng tuần, hàng tháng việc đánh giá ý thức chấp hành quy định về an toàn của người lao động là một chỉ tiêu quan trọng để xếp loại lao động.
Hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất ATVSLĐ nên Ban Giám đốc Công ty TNHH Feldspar An Bình ở Cụm công nghiệp Sơn Nam (Sơn Dương) đã lắp đặt hệ thống camera quan sát và duy trì đội ngũ vệ sinh viên giám sát việc chấp hành quy định về ATVSLĐ tại các bộ phận làm việc cũng như tổ chức tuyên truyền, trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động. Hiện nay, công ty có hơn 60 lao động hầu hết là người địa phương, trước khi được tuyển dụng vào làm việc người lao động đã được tập huấn về công tác ATVSLĐ và trang bị các dụng cụ bảo hộ lao động.
Anh Hoàng Trung Dũng làm việc tại Nhà máy nghiền của công ty cho biết, việc thực hiện các quy định ATVSLĐ cũng chính là bảo vệ bản thân mình bởi khi xảy ra tai nạn lao động thì mình là người chịu thiệt trước tiên sau đó ảnh hưởng đến gia đình và xã hội. Chính vì vậy ý thức chấp hành các quy định về ATVSLĐ là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu đối với mỗi người lao động để “An toàn trở về bên gia đình”. Ngoài yêu cầu cán bộ, người lao động chấp hành nghiêm các quy định thì việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ và thăm hỏi, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn cũng được công ty thường xuyên quan tâm.
Công nhân làm việc tại Nhà máy của Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc.
Toàn tỉnh hiện có hơn 2.400 doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 45.000 lao động làm việc trong các thành phần kinh tế, trong đó có những lao động đang làm việc ở những lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao như: khai thác mỏ, truyền tải điện, vệ sinh môi trường... Để nâng cao công tác chấp hành quy định ATVSLĐ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức công tác tuyên truyền, huấn luyện, kiểm tra việc chấp hành các quy định ATVSLĐ tại các doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm Sở đã phát hàng chục nghìn tờ rơi, treo băng rôn tuyên truyền và tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho hàng nghìn lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATVSLĐ trên địa bàn.
Ngay từ cuối năm 2022 (ngày 26-12-2022), UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2023. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp, các huyện, thành phố chủ động tổ chức Lễ phát động và cách hoạt động thiết thực phù hợp với điều kiện thực tế như: xây dựng các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền về An toàn lao động, hướng dẫn kỹ năng làm việc an toàn; đổi mới, đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện về ATVSLĐ tới doanh nghiệp và người lao động cả trong khu vực có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như: báo, đài, truyền hình, Website, mạng xã hội, treo băng rôn, pano, áp phích... tại các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc để phổ biến, tuyên truyền các nội dung, kiến thức về ATVSLĐ, thông tin, hướng dẫn cách nhận diện, đánh giá các nguy cơ rủi ro và các biện pháp phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó thường xuyên cập nhật và thông tin kịp thời về nguyên nhân các vụ tai nạn lao động, sự cố để phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; thông tin tuyên truyền sâu rộng về các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong công tác ATVSLĐ tới doanh nghiệp, người lao động…
Đồng chí Lý Thị Hải Hiền, Trưởng phòng Lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định, việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ cùng với các hoạt động của Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025 đã và đang góp phần tích cực trong kiềm chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp liên quan đến lao động. Từ đó nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về công tác ATVSLĐ từng bước chuyển biến tích cực. Người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng có ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ngày càng ổn định và phát triển hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết