Chị Phạm Thùy Linh, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cho biết, chị thấy nhiều người có nick Facebook, Zalo đang sinh sống tại Tuyên Quang đăng bán các sản phẩm thực phẩm đông lạnh trên trang cá nhân và trang hội nhóm có đông người theo dõi với giá rất rẻ và thu hút được nhiều người mua. Thấy rẻ và muốn biết thực hư những sản phẩm này chất lượng thế nào nên chị đã mua về. Tuy nhiên, ngay trong quá trình sơ chế, chị đã nhận thấy những điểm bất thường như mực, tôm có mùi tanh lạ, màu nhợt nhạt, thịt nhũn; cua, ghẹ bị óp; cá thu, cá nục bở, ăn không đúng vị...
Các cơ quan chức năng khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn thực phẩm đông lạnh tại các cơ sở uy tín.
Còn chị Trần Thị Thúy, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, mức giá được các chủ hàng đăng bán thấp hơn nhiều so với giá của các cửa hàng, siêu thị uy tín, có địa chỉ rõ ràng. Theo giới thiệu của người bán hàng, các loại thực phẩm này đều là hàng cấp đông ngay sau khi giết mổ, đánh bắt nên giữ nguyên chất lượng thực phẩm tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, các sản phẩm đa phần chỉ được đựng trong túi hút chân không, không có nhãn mác, hạn sử dụng. Khi được hỏi nhãn mác, chứng từ, hóa đơn của sản phẩm, các chủ hàng đều tỏ ra lúng túng hoặc lý do nhãn mác chỉ dán trên thùng kiện lớn, thịt, thực phẩm đã chia nhỏ ra bán thì không có. Nói chung, khi mua thực phẩm đông lạnh ở ngoài thị trường, chị chỉ biết đặt niềm tin và đạo đức của người bán hàng mà thôi.
Qua tìm hiểu của phóng viên, mặc dù các chủ hàng bán thực phẩm đông lạnh đều có tủ lạnh, tủ bảo ôn, nhưng rất nhiều chủ hàng bày bán để trực tiếp ra ngoài. Bên cạnh đó, một số chủ hàng bán hàng online, trong quá trình vận chuyển tới tay khách hàng thực phẩm đã bị giã đông, chảy nước. Quan sát bằng mắt thường dễ dàng nhận thấy, ngoài việc bày bán, vận chuyển không đảm bảo quy định an toàn thực phẩm đối với hàng đông lạnh khiến thực phẩm đông lạnh có thể bị nhiễm khuẩn, dẫn đến những ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe khi sử dụng. Ngoài ra, các thực phẩm đông lạnh nói trên ngoài bán lẻ, còn được tiêu thụ tại một số nhà hàng, quán nướng, bếp ăn tập thể.
Từ đầu năm đến nay, hơn 1,1 tấn thực phẩm đông lạnh không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm đã bị lực lượng chức năng thu giữ, tổng số tiền phạt trên 13 triệu đồng. Trung tá Nguyễn Huy Thành, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm môi trường trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh cho biết, những hành vi vi phạm này có chế tài xử phạt không cao nhưng những nguy cơ từ những sản phẩm đông lạnh không đảm bảo an toàn lại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của con người.
Thực tế, các mặt hàng đông lạnh nếu được bảo quản trong điều kiện tốt, nhiệt độ đảm bảo, chưa hết hạn sử dụng thực phẩm vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng, an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên, quá trình giết mổ, vận chuyển, truyền tay, bày bán ở chợ… có thể bị nhiễm vi khuẩn, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh khuyến nghị người dân cần tỉnh táo, khi mua hàng cần kiểm tra kỹ các thông tin in trên bao bì sản phẩm; tránh mua ở các điểm bán hàng tự phát, hàng trôi nổi để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, gia đình. Chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, không vì lợi nhuận mà “bán rẻ” sức khỏe của người tiêu dùng.
Gửi phản hồi
In bài viết