Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm có tiềm năng lớn về du lịch.
Mái Đá Ngườm có dạng hàm ếch, nằm trên sườn núi, cao hơn mặt đường dân sinh khoảng 30m và cao hơn so với mực nước sông Thần Sa khoảng 40m. Diện tích bề mặt mái đá có vết tích tầng văn hóa rộng gần 1.000m2.
Đến nay, Mái Đá Ngườm đã được tiến hành khai quật 5 lần, vào các năm: 1981, 1982, 1985, 2017 và lần gần đây nhất là vào đầu năm 2024. Mỗi lần khai quật đều phát hiện những hiện vật mới, làm các nhà nghiên cứu bất ngờ.
Mái Đá Ngườm được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu phát hiện vào tháng 3/1980 với khoảng 200 hiện vật đá, gồm các công cụ cuội dạng hạch, mảnh tước có dấu gia công, xác định là nơi người tiền sử sinh sống.
Đợt khai quật đầu tiên vào năm 1981 xác định, Mái Đá Ngườm là nơi chế tác công cụ - một di chỉ xưởng. Đây là phát hiện có ý nghĩa lớn đối với nghiên cứu tiền sử Việt Nam, có tầm khu vực và thế giới.
Đợt khai quật lần 1, các nhà nghiên cứu cho rằng có thể thiết lập nên một nền văn hóa khảo cổ học là “Văn hóa Thần Sa”.
Đợt khai quật lần 2 vào năm 1982 thu được số lượng hiện vật lớn, cung cấp nhiều dữ liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu để hiểu sâu hơn về kỹ nghệ mảnh không chỉ ở Việt Nam mà còn ở phạm vi Đông Nam Á. Kết quả đợt khai quật lần 2, hội thảo khoa học về “Văn hóa Thần Sa” được tổ chức tại Thái Nguyên đã góp phần xác lập một kỹ nghệ riêng, đó là kỹ nghệ Ngườm.
Năm 1982, di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm được xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Năm 2017, Viện Khảo cổ học hợp tác với Khoa Nhân học, Đại học Washinton (Mỹ) tiến hành khai quật Mái Đá Ngườm lần 4. Kết quả khai quật đã góp phần bổ sung nhận thức rất mới về sự hiện diện của cư dân giai đoạn sớm có niên đại hơn 41.500 năm.
Đợt khai quật lần 5 từ tháng 3 đến đầu tháng 4/2024 do Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên và Viện Khảo cổ học tổ chức, phát hiện sự tồn tại của các lớp văn hóa có cấu trúc và màu sắc hoàn toàn khác biệt, lớp văn hóa 5 có màu cam, khô và bở rời; lớp văn hóa 6 có màu nâu vàng ẩm hơn nhưng cấu trúc bở rời chứa nhiều tảng đá vôi nhỏ.
Trong các lớp văn hóa 5 và 6 đều phát hiện các công cụ mảnh, hạch cuội nguyên liệu, công cụ hạch, mảnh tước, mảnh tách cùng di cốt động vật, hạt quả và một số lượng khiêm tốn các loài nhuyễn thể trên cạn và dưới nước; đặc biệt là phát hiện xương động vật cháy.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên Trần Thị Nhiện cho biết: Như những lần trước, đợt khai quật lần thứ 5 được thực hiện rất chuyên nghiệp, bài bản, cẩn trọng, mang lại những nhận thức rất mới, rất quan trọng về di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm, cụ thể là mang lại những nhận thức mới, làm nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ có uy tín xúc động về những hiện vật thu được, xác định niên đại cư trú của con người có thể sớm hơn trước rất nhiều.
“Với sự quan tâm sâu sắc của các cấp chính quyền, các cơ quan văn hóa trong tỉnh đối với di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để củng cố các hồ sơ liên quan, có giải pháp thiết thực hơn để bảo tồn lâu dài, phát huy giá trị Mái Đá Ngườm”, bà Trần Thị Nhiện cho biết thêm.
Khẳng định giá trị của di chỉ, lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương tiếp tục tham khảo ý kiến, tư vấn của các nhà khoa học để tiến hành lập hồ sơ đề nghị hiện vật Mái Đá Ngườm là bảo vật quốc gia, tiến tới hoàn thiện hồ sơ đề nghị là di tích lịch sử, văn hóa quốc gia đặc biệt.
Tỉnh Thái Nguyên yêu cầu cơ quan chức năng bổ sung quy hoạch tổng thể khu di tích này vào quy hoạch chung của huyện Võ Nhai, bảo đảm diện tích quy hoạch phù hợp, không ảnh hưởng đến vùng lõi, vùng đệm của khu di tích. Trước mắt là nghiên cứu, tham khảo các chuyên gia để triển khai các giải pháp bảo vệ, bảo tồn lâu dài di tích; về lâu dài là bảo tồn không gian văn hóa Thần Sa, phát huy giá trị của di tích nhằm thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế.
Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên có phòng trưng bày chuyên đề “Văn hóa Thần Sa”, mặc dù trong không gian chật hẹp, mô phỏng Mái Đá Ngườm, sinh hoạt của người tiền sử, hiện vật ở mức độ sơ khai, nhưng thời gian qua thu hút nhiều học sinh đến tham quan.
Nếu di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm được tổ chức tốt, đủ thông tin, đáp ứng các điều kiện thì sẽ là địa chỉ du lịch, trải nghiệm lịch sử, văn hóa, cảnh quan hấp dẫn, sinh động, có sức hút không chỉ đối với học sinh.
Tỉnh Thái Nguyên đang có những giải pháp để bảo tồn nguyên vẹn di chỉ khảo cổ đặc biệt quan trọng này, đồng thời gắn kết giữa Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia hang Phượng Hoàng, cảnh quan rừng đặc dụng Thần Sa, văn hóa bản địa để từng bước khai thác tiềm năng du lịch, trải nghiệm di chỉ Mái Đá Ngườm.
Gửi phản hồi
In bài viết