Tiềm năng từ du lịch nông nghiệp

- So với du lịch lịch sử, nghỉ dưỡng, loại hình du lịch nông nghiệp ở tỉnh ta bắt đầu khá muộn, song sức lan tỏa mạnh mẽ của loại hình này đang thay đổi tư duy làm kinh tế. Du lịch nông nghiệp đang được đánh giá với rất nhiều lợi thế cạnh tranh.

Khi nông dân làm du lịch, khách du lịch làm nông dân

Đi nhiều nơi, làm nhiều nghề nhưng rồi anh nông dân người Dao Đặng Ngọc Phố lại trở về quê nhà, xã Hồng Thái (Na Hang) để lập nghiệp bằng việc khai thác tiềm năng, lợi thế của cây chè Shan tuyết.

Anh Phố phấn khởi bảo, ban đầu chỉ làm để bán sản phẩm thôi, song khách thưởng thức chè rồi lại muốn được thăm, trải nghiệm quy trình sản xuất chè đặc sản. Khách có nhu cầu, hợp tác xã sẵn sàng phục vụ các dịch vụ từ thăm, trải nghiệm, thu hái đến chế biến ra thành phẩm chè Shan tuyết và hướng dẫn viên không ai khác chính là đồng bào dân tộc mình. Anh Phố khẳng định, sản xuất kết hợp tổ chức dịch vụ trải nghiệm cho khách đã tăng thêm nguồn thu cho hợp tác xã. Theo anh Phố, tới đây hợp tác xã sẽ làm bài bản và dịch vụ tốt hơn nữa để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm. 

Mô hình du lịch Framstay của chị Giàng Thị Sao, thị trấn Na Hang (Na Hang) đang thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.

Anh Nguyễn Trọng Trường, địa chỉ 53, phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa tham gia trải nghiệm quy trình sản xuất chè Shan tuyết hào hứng kể, khác hẳn với những đồi chè ở vùng trung du, những cây chè Shan tuyết Hồng Thái mọc trên độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển đã “bất tử” với thời gian, có cây tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Điều thú vị là những cây chè phát triển tự nhiên không tác động bởi phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật. Anh Trường bảo, thăm rừng chè, anh còn được trèo lên cây hái từng búp, tham gia công đoạn sản xuất chè khô vô cùng cầu kỳ và phức tạp. Bắt đầu từ hong, ủ, lên men, vò chè, sao khô… được làm bằng tay hoàn toàn. Được trải nghiệm, thưởng thức sản phẩm chè ngon nức tiếng, đặc biệt có một phần sức lao động của mình thấy thú vị thật-anh Trường khẳng định.

Tháng 10, thời điểm lúa chín nhuốm vàng khắp các thung lũng, triền núi, người dân Lâm Bình lại được đón nhiều hơn những người bạn từ khắp mọi miền. Chị Đào Thị Thùy Linh, du khách đến từ thành phố Hải Phòng hứng khởi bảo, đứng từ trên cao nhìn xuống đã mắt những thửa ruộng bậc thang vàng ươm no đủ, thỏa lòng khi phải vượt hàng trăm cây số xa xôi. Những thửa ruộng bậc thang như những phím đàn huyền diệu của người nhạc sỹ chơi dương cầm vậy. Chị Linh bảo, đã biết đến “mùa vàng” nơi non cao này, sang năm chị sẽ đi chuyến nữa để được chiêm ngưỡng mùa nước đổ, trải nghiệm tục cấy lúa tiến của đồng bào, ngắm sắc trắng tinh khôi của hoa lê, hoa mận và đắm mình trong những lễ hội độc đáo.

Không riêng các huyện vùng cao, nhiều trang trại, nhà vườn trên địa bàn huyện Hàm Yên, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang cũng đang thực hiện 2 mục tiêu sản xuất kết hợp làm du lịch phục vụ du khách. Anh Đinh Ngọc Quân, chủ vườn nho thôn Phúc Lộc B, xã An Khang (TP Tuyên Quang) khẳng định, vụ nho vừa qua nhà vườn thu gần 70 triệu đồng, trong đó thu dịch vụ du lịch đạt 60 triệu đồng, con số anh chưa từng nghĩ đến. Đây thực sự là hướng mở để người nông dân làm giàu, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đưa sản xuất nông nghiệp thành sản phẩm du lịch

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định, du lịch nông nghiệp đang đem lại lợi ích kép, thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới, hình thành cơ sở kinh tế dịch vụ tại khu vực nông thôn, đem lại sinh kế cho người nông dân, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan môi trường sinh thái và hỗ trợ ngược lại cho sự phát triển đa dạng, bền vững của điểm đến du lịch. Phát triển du lịch tại nông thôn còn đem lại các giá trị tinh thần, vật chất và sự gắn kết cộng đồng và Tuyên Quang có thừa dư địa để phát triển ngành du lịch này. Phó Giáo sư Sáu cho rằng, địa hình, địa thế, tập quán, kinh nghiệm sản xuất cùng bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo, sự hiếu khách của những người nông dân chính là lợi thế cạnh tranh của du lịch nông nghiệp Tuyên Quang. Thực tế cho thấy, lượng khách đến với Tuyên Quang ngày một đông không chỉ tham quan các di tích lịch sử, tham dự lễ hội mà còn muốn được tham gia vào hoạt động sản xuất của cộng đồng các dân tộc tại những bản làng.

Trong Đề án Phát triển du lịch Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành ngày 30-7 vừa qua đã xác định du lịch nông nghiệp là một trong những loại hình du lịch có tiềm năng, lợi thế lớn. Tỉnh đã có kế hoạch phát triển các mô hình đón khách du lịch tham quan, trải nghiệm theo mùa nông nghiệp, như: Lễ hội hoa lê, ruộng bậc thang xã Hồng Thái (Na Hang); khai thác nhà vườn, khu công nghệ cao phát triển thành các điểm du lịch trải nghiệm tại vùng trồng cam sành; thanh long ruột đỏ Hàm Yên; làng nghề chè Vĩnh Tân, Tân Trào (Sơn Dương); chè Shan tuyết (Na Hang), nuôi cá trên lòng hồ thủy điện... Phát triển các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, ẩm thực đặc trưng của địa phương, trong đó khai thác phát triển các khu kinh tế đêm, như chợ đêm khu ẩm thực, đồng thời khuyến khích nhân dân tham gia bán nông sản, đặc sản, ẩm thực, hàng hóa, lưu niệm của địa phương. Thống kê của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có trên 50 chủ thể của 79 sản phẩm được gắn sao OCOP tham gia vào hoạt động du lịch địa phương.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình
nông trại cây 
và hoa tại xã Hợp Thành (Sơn Dương).

Phát triển du lịch nông nghiệp ngang tầm với các sản phẩm du lịch khác, đầu tháng 6 vừa qua, đích thân đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đi thăm, khảo sát một số nhà vườn, trang trại trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh kết hợp làm du lịch. Có thể khẳng định rằng, các mô hình khởi đầu với các dịch vụ đơn giản như thăm, trải nghiệm thực tế... điều này đã hình thành các điểm, vùng làm du lịch nông nghiệp, đặc biệt tại 2 huyện Na Hang, Lâm Bình đã có sản phẩm du lịch trải nghiệm, ăn nghỉ Homestay, Framstay...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Văn Sáu, Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả bền vững, Tuyên Quang cần quan tâm, xây dựng môi trường du lịch an toàn; giữ gìn môi trường sống trong lành gắn với nhiều hoạt động ý nghĩa tại các điểm, khu du lịch như sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, trồng nhiều cây xanh, giữ gìn nguồn nước sạch tại các hồ sinh thái, thác nước, hang động; duy trì sự đa dạng sinh học ở các khu rừng nguyên sinh để thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm, thăm thú.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục