Tiêm vắc xin phòng Covid-19: Lợi ích nhìn từ các quốc gia

Tại thành phố New York (Mỹ), nhiều cặp đôi đã có thể làm thủ tục kết hôn trực tiếp. Tiếng cười nói và các dịch vụ không thiết yếu đã hoạt động trở lại. Bức tranh tươi sáng về cuộc sống bình thường mới cho thấy kết quả tích cực đến từ nỗ lực triển khai tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mà Mỹ và nhiều quốc gia khác đã thực hiện trong thời gian qua. Các chuyên gia y tế cho rằng, vắc xin là thứ vũ khí mang lại lợi ích to lớn nhìn từ nhiều quốc gia trong cuộc chiến chống đại dịch.


Đến thời điểm hiện tại, thế giới đã tiêm được hơn 3,83 tỷ liều vắc xin phòng Covid-19.

Tại Mỹ, đăng ký kết hôn - thủ tục tưởng như bình thường lại trở thành "xa xỉ" trong nhiều tháng qua do sự xuất hiện của đại dịch Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội khiến nhiều cặp đôi của xứ Cờ hoa phải hoãn hoặc hủy lễ cưới. Tuy nhiên, tới nay tình hình đã hoàn toàn thay đổi nhờ chiến dịch tiêm phòng được đẩy mạnh góp phần giảm bớt số ca mắc Covid-19. Nhiều địa phương, trong đó có thành phố New York đã mở cửa trở lại và cho phép các dịch vụ không thiết yếu hoạt động. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy cuộc sống bình thường đang dần trở lại với người dân ở quốc gia từng là tâm dịch của thế giới.

Tương tự, không ít khu vực trên thế giới với tốc độ triển khai tiêm chủng nhanh chóng cũng đã “hồi sinh”. Nhiều quốc gia châu Âu đã mạnh dạn mở cửa đón du lịch hè. Hoạt động đi lại, bao gồm cả đi lại xuyên biên giới cũng trở nên khả thi hơn với sự hỗ trợ của "chứng nhận vắc xin". Điều này giúp hoạt động kinh doanh trong tháng 7 của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 21 năm qua - theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit. Tới nay, Lục địa già đã tiêm phòng được cho hơn 200 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số trưởng thành. Ở châu Á, mặc dù có biên giới với Trung Quốc và Ấn Độ, Bhutan trở thành điểm sáng về khả năng kiểm soát đại dịch nhờ việc tiêm chủng thần tốc. Tính tới hết tháng 6, quốc gia “hạnh phúc nhất thế giới” đã tiêm chủng phòng Covid-19 cho hơn 90% dân số trưởng thành. Chính phủ nước này thậm chí còn tiếp cận các cộng đồng sinh sống tại nơi hẻo lánh bằng trực thăng để vận động người dân tiêm chủng.

Dù chưa thể xem là “kim bài miễn tử”, song theo các chuyên gia y tế, vắc xin phòng Covid-19 là thứ vũ khí lợi hại nhất bảo vệ con người trước mối đe dọa dịch bệnh. Tại Israel, báo cáo của Bộ Y tế nước này cho thấy, trong số những người đã tiêm phòng vắc xin bị nhiễm SARS-CoV-2, 80% không làm làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Còn theo Bộ Y tế Singapore, những người đã tiêm đủ liều vắc xin tuy chiếm 75% số ca mắc Covid-19 mới ở nước này, nhưng không ai bị diễn tiến bệnh trầm trọng. Đây là bằng chứng cho thấy việc tiêm vắc xin phòng Covid-19 giúp cơ thể có sức đề kháng tốt hơn nếu không may nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Mặc dù đã thấy rõ tác dụng của vắc xin phòng Covid-19, tuy nhiên nhiều quốc gia vẫn đang gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn cung. Tình trạng thiếu vắc xin khiến 70% dân số Hàn Quốc hiện vẫn phải chờ mũi tiêm đầu tiên, trong khi Thái Lan tới nay mới tiêm được cho khoảng 15% dân số. Giới chức Australia đang vô cùng lo ngại khi chỉ 10% dân số nước này được tiêm chủng trong khi làn sóng dịch bệnh mới đang tràn tới. "Dòng chảy" vắc xin chậm chạp trong khi biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh đang tạo ra mối lo ngại cho nhiều quốc gia trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát. 

Lợi ích to lớn khi dịch bệnh được kiểm soát cho thấy việc tiêm chủng vắc xin là hết sức cần thiết, là giải pháp quan trọng bậc nhất để khống chế đại dịch Covid-19. Đẩy nhanh nỗ lực tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 được xem là con đường ngắn nhất giúp thế giới sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục