Israel tiên phong trong việc tiêm tăng cường mũi vắc xin thứ ba phòng Covid-19.
Chỉ trong tuần qua, hàng loạt quốc gia đã công bố kế hoạch tiêm mũi vắc xin tăng cường cho những người đã hoàn tất chương trình tiêm chủng. Cụ thể, ngày 3-8, Đức thông báo tiêm mũi tăng cường cho những đối tượng dễ bị tổn thương vào tháng 9 tới, trong khi Anh sẽ bổ sung mũi vắc xin thứ ba cho 32 triệu dân kể từ ngày 6-9 và phấn đấu hoàn tất kế hoạch vào đầu tháng 12. Pháp cũng lên kế hoạch tiêm mũi vắc xin phòng Covid-19 liều thứ ba cho những người có hệ miễn dịch yếu.
Tại Trung Đông, Israel đi đầu trong việc triển khai tiêm mũi vắc xin thứ ba, ưu tiên người trên 60 tuổi. Bước đi này nhanh chóng được Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) học tập. Ở Đông Nam Á, Campuchia, Indonesia, Thái Lan cũng gia nhập làn sóng mới với kế hoạch tiêm chủng có nhiều nét tương đồng.
Sự quan tâm đối với mũi tiêm vắc xin tăng cường dấy lên khi Hãng dược Pfizer công bố nghiên cứu cho thấy, mặc dù vắc xin của hãng này có tác dụng trong việc ngăn chặn vi rút SARS-CoV-2, bao gồm cả biến chủng Delta nhưng hiệu quả giảm từ 96% sau 7 ngày xuống chỉ còn 84% sau 4 tháng kể từ thời điểm tiêm. Thực tế này dẫn tới yêu cầu về mũi tiêm tăng cường trong 6-12 tháng sau mũi tiêm thứ hai. Pfizer khẳng định, một mũi tiêm nhắc lại giúp tăng lượng kháng thể cao hơn từ 5 đến 10 lần so với chỉ tiêm 2 liều.
Tuy nhiên, luận chứng của Pfizer chưa thuyết phục được nhiều nước, ngay cả tại Mỹ. Các cơ quan y tế xứ Cờ hoa khẳng định cần xem xét thêm các số liệu trước khi tính toán mức độ cần thiết của việc tiêm tăng cường. Washington có lý do để đắn đo, khi số trường hợp nhiễm Delta lúc này chiếm chưa tới 1% số người đã tiêm chủng đầy đủ, trong khi sự gia tăng các ca mắc Covid-19 vẫn chủ yếu nằm trong nhóm dân số chưa được tiêm chủng.
Bất chấp hiệu quả của mũi tiêm thứ ba còn gây tranh cãi, sự lo lắng về các làn sóng lây nhiễm mới vẫn khiến hàng loạt quốc gia ráo riết lên kế hoạch thực hiện việc tiêm tăng cường. Anh xem mũi tiêm bổ sung như một biện pháp ngăn chặn sớm nguy cơ từ các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2. Đây là lý do khiến London triển khai chiến dịch tiêm ngay cả khi số ca nhiễm mới Covid-19 đang trên đà giảm mạnh và dữ liệu nghiên cứu cho thấy vắc xin AstraZeneca và Pfizer mà Đảo quốc sương mù sử dụng cho đợt tiêm đầu tiên vẫn đủ khả năng bảo vệ mạnh mẽ trước biến chủng Delta. Sự lo lắng cũng khiến nhiều nước khác, trong đó có Thụy Sĩ xúc tiến đặt hàng lượng lớn vắc xin dự trữ phục vụ tiêm tăng cường. Tương tự, Nga cũng sẽ tiêm thêm liều vắc xin như một biện pháp hữu hiệu giúp ứng phó làn sóng lây nhiễm mới đang diễn ra.
Trong bối cảnh mỗi quốc gia đều có những lý do riêng, trào lưu tiêm chủng tăng cường mũi thứ ba sẽ diễn ra sớm hơn nhiều so với dự đoán. Tuy nhiên, điều này cũng vấp phải phản ứng dữ dội từ nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vắc xin. Giới chuyên môn lo ngại, nỗi sợ hãi vô hình sẽ dẫn tới việc các nước đưa ra những quyết định vội vàng, khiến tình trạng bất bình đẳng trong phân phối vắc xin càng trở nên trầm trọng.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, không một động thái đơn lẻ nào có thể đem tới hiệu quả tối ưu. Vì thế, việc tăng cường tiêm mũi vắc xin thứ ba cần được các quốc gia cân nhắc kỹ lưỡng và thấu đáo.
Gửi phản hồi
In bài viết