Nhân cách là bản sắc độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân, là nội dung và tính chất bên trong của mỗi cá nhân, trong đó, cá nhân là phương thức biểu hiện của giống loài, còn nhân cách vừa là nội dung vừa là cách thức biểu hiện riêng biệt của mỗi cá nhân, là đặc trưng xã hội của con người, là “phẩm chất xã hội” của con người. Do vậy, trong môi trường (gia đình, nhà trường, xã hội), thì gia đình và sự giáo dục gia đình góp phần quan trọng hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người.
Minh họa: Cảnh Trực.
Trong bối cảnh đất nước ngày càng đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta đã và đang chịu những biến đổi sâu sắc về xã hội, trong đó có gia đình. Bên cạnh những thành quả do nền kinh tế thị trường mang lại, gia đình Việt Nam truyền thống đang có những biến đổi mạnh mẽ trong cấu trúc, hình thái, quy mô và mối quan hệ giữa các thành viên, thế hệ. Hệ thống giá trị và chuẩn mực văn hóa riêng của gia đình, của cộng đồng đang có nguy cơ mai một. Lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao cuộc sống hưởng thụ, chạy theo giá trị vật chất đang xói mòn những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình, tác động xấu tới nhân cách con trẻ. Trong đó, ở không ít gia đình, mối quan tâm, chăm sóc của một bộ phận cha mẹ dành cho con trẻ suy giảm, thậm chí có không ít gia đình còn “khoán trắng” việc giáo dục con trẻ cho nhà trường và xã hội. Cũng có không ít cha mẹ chưa dành thời gian thích đáng cho con cái, một số khác lại thiếu kỹ năng và phương pháp giáo dục khoa học... nên vô tình đã tạo ra những hệ lụy, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, việc học hành, sự hình thành nhân cách, lối sống đúng đắn, thậm chí là sự thành công của con trẻ trong tương lai.
Chỗ tôi ở là một khu phố “gần chợ nhưng xa trường”, thật buồn khi thấy mấy gia đình trẻ hàng xóm vì mải lo toan mưu sinh mà bỏ bê việc giáo dục, dạy dỗ con cái. Thi thoảng các cháu sang chơi, tôi mạnh dạn mở lời tham gia với các cháu, cần dành cho con cái nhiều thời gian để dạy dỗ, bảo ban chúng nó, nhưng nhận lại không phải là cái tiếp thu thân thiện, trách nhiệm mà là: Ôi dào, lớn lên ra xã hội va chạm chúng nó khắc khôn ra... ấy mà chú!
Những điều vừa nói trên đây là một trong những nguyên nhân khiến gia đình chưa phát huy được vai trò của nó với tư cách là môi trường, là trường học đầu đời góp phần quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.
Một thực trạng và cũng là một trong những nguyên nhân tác động xấu đến việc hình thành nhân cách con trẻ, đó là, với nhiều lý do khác nhau, một bộ phận gia đình đã không thật sự còn là “tổ ấm” để trao truyền yêu thương, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ. Ở đó, cấu trúc gia đình lỏng lẻo, sự liên kết giữa các thành viên gia đình yếu, cha me thiếu gương mẫu, thường xuyên mâu thuẫn bất hòa, xung đột, dẫn tới bạo lực gia đình (bạo lực của người chồng đối với người vợ, bạo lực của cha mẹ đối với con cái), để con trẻ phải thường xuyên chứng kiến những hình ảnh, sự việc không đẹp đó, ắt chúng hoặc bị khủng hoảng tâm lý “đòn roi”, hoặc lệch lạc trong suy nghĩ dẫn đến lệch lạc trong hành động. Cùng những mâu thuẫn, xung đột và bạo lực gia đình là việc gia đình “đổ vỡ” trong hôn nhân, nhất là những gia đình cha mẹ ly hôn khi con còn nhỏ tuổi, thường thấy trẻ hoặc là dễ bị rơi vào khủng hoảng tâm sinh lý, hoặc thu mình, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn trong tương lai. Thế nên, người đời mới có câu than: Nhà dột từ nóc!.
Để phát huy vai trò gia đình trong việc giáo dục con em, cha mẹ phải là tấm gương về đạo đức, lối sống để con cái học tập và noi theo. Nêu gương là cách giáo dục tốt nhất đối với con trẻ. Trong giáo dục gia đình (giáo dục đạo đức, giáo dục tinh thần yêu thích học tập, lao động, rèn luyện tính tự lập, giáo dục thể chất và thẩm mỹ...), giáo dục đạo đức - “dạy trẻ từ lúc còn thơ...” (xưa nay ông bà ta vẫn thường nói thế) là rất quan trọng, nhằm xây dựng ý thức, bồi dưỡng tình cảm đạo đức, rèn luyện thói quen hành vi đạo đức để mỗi thành viên trong gia đình được sống trong môi trường đầy ắp tình yêu thương. Giáo dục đạo đức trong gia đình để hướng tới sự hình thành và phát triển nhân cách con trẻ, với những phẩm chất: lòng kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Dạy cho trẻ sự thông cảm sâu sắc với điều kiện, hoàn cảnh, đời sống của gia đình để trẻ biết “tùy gia phong kiệm”, tạo nên không khí hòa thuận, ấm cúng trong gia đình... Chính những hành vi, cư xử lễ phép, kính trên, nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ là cơ sở để trẻ hình thành những phẩm chất đạo đức tốt: lòng nhân ái vị tha, tính khiêm tốn, chân thực trong quan hệ đối nhân xử thế ngoài xã hội khi trưởng thành. Cha mẹ hết mực quan tâm đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên, cần tránh sự quan tâm và lo lắng thái quá, như không cho các em làm những công việc như chăm sóc bản thân, phụ giúp công việc gia đình... làm cho các con thiếu đi những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống trước mắt và mai sau.
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, là trường học đầu đời của mỗi con người. Chính vì vậy, “tiên học lễ...” ngay từ mỗi gia đình là góp phần quan trọng hình thành, phát triển và nuôi dưỡng nhân cách con người. Nói như vậy, không có nghĩa tuyệt đối hóa vai trò của gia đình trong mối quan hệ bền chặt, biện chứng giữa gia đình, nhà trường và xã hội, hơn ai hết, mỗi chúng ta, mỗi bậc cha mẹ hãy phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa, coi trọng tình thương và lẽ phải, cha mẹ tự coi mình phải có nghĩa vụ học thêm một nghề mới - nghề “sư phạm gia đình”, để trước tiên là làm thầy, cô giáo của chính con em mình dạy dỗ chúng nên người vừa có đức, vừa có tài.
Gửi phản hồi
In bài viết