Vòng đàm phán của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya tại Geneva, Thụy Sĩ đã kết thúc mà không đạt được đồng thuận.
Cuộc đàm phán được Liên hợp quốc bảo trợ diễn ra từ ngày 28-6 đến 2-7. Đã có 75 đại biểu tham gia các cuộc thảo luận để thống nhất về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào cuối năm nay tại Libya. Theo đó, Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya đã đưa ra 3 đề xuất, gồm: Tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 12 tới trên cơ sở hiến pháp tạm thời hoặc tổ chức bầu cử quốc hội dựa trên cơ sở hiến pháp tạm thời; hoãn các cuộc bầu cử tổng thống sau khi có hiến pháp vĩnh viễn; tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội sau khi thông qua hiến pháp sửa đổi theo dự thảo hiến pháp trong giai đoạn sơ bộ. Tuy nhiên, những đề xuất này đã gây ra tranh cãi và đưa cuộc đàm phán vào thế bế tắc.
Trợ lý Tổng Thư ký và Điều phối viên phái bộ hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya Residen Zeninga nhận định, điều này cho thấy các bên chưa có đủ độ tin cậy và nỗ lực cho thành công của Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya. Chính vì vậy, ông Zeninga kêu gọi các bên tham gia đàm phán ở Geneva tiếp tục tham vấn để tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Libya.
Xung đột, bạo lực và tình trạng chia rẽ đã tàn phá nền kinh tế Libya từng một thời phát triển thịnh vượng ở khu vực Bắc Phi. Với vai trò trung gian của Liên hợp quốc trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình, tình hình Libya thời gian qua đã có bước tiến triển quan trọng, khi các bên đạt thỏa thuận ngừng bắn dài hạn vào tháng 10-2020, thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc (GNU) tháng 3-2021 và nhất trí lộ trình bầu cử, dự kiến ngày 24-12 tới. Tuy nhiên, trên thực tế, sự can thiệp của nước ngoài đang làm cho Chính phủ mới của Libya thực hiện nhiệm vụ của mình không dễ dàng.
Mặc dù các nước đều ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột, nhưng đã không chịu rút các lực lượng của mình khỏi Libya theo thời hạn do Liên hợp quốc quy định là ngày 23-1-2021. Thỏa thuận ngừng bắn ở Libya và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quy định rõ ràng rằng các chiến binh, quân đội và lính đánh thuê nước ngoài phải rời khỏi Libya. Tuy nhiên, Liên hợp quốc ước tính hiện vẫn có khoảng 20.000 tay súng và lính đánh thuê nước ngoài đang hiện diện trong lãnh thổ Libya, là mối đe dọa đối với tiến trình bầu cử.
Các nhà lãnh đạo phương Tây đã nhiều lần kêu gọi thực hiện việc rút các lực lượng nước ngoài ra khỏi Libya một cách có lộ trình và thống nhất, không để xảy ra tình trạng mất cân bằng quân sự có thể dẫn tới các cuộc tấn công bất ngờ giữa hai lực lượng chính ở Libya.
Tại Hội nghị quốc tế về Libya lần thứ hai tại Berlin (Đức) diễn ra ngày 25-6, Ðặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Libya Richard Norland cho biết, Washington đang thảo luận với một số thành phần chủ chốt tại Libya về việc rút các lực lượng nước ngoài trước thềm cuộc bầu cử. Trong khi đó, Thủ tướng lâm thời Libya Abdul Hamid Dbeibah kêu gọi quốc tế hỗ trợ trong việc rút binh sĩ nước ngoài, đồng thời cảnh báo tình trạng mất an ninh đang gây nguy hiểm cho tiến trình chuyển tiếp hướng tới cuộc bầu cử.
Việc triển khai cuộc bầu cử quốc hội tại Libya theo lộ trình của Diễn đàn Ðối thoại chính trị Libya được đánh giá là yếu tố quan trọng để thiết lập nền hòa bình tại đất nước này. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy chặng đường đi tới hòa bình, ổn định vẫn còn nhiều chông gai.
Gửi phản hồi
In bài viết