Ngày 3-6, Mỹ xác nhận sẽ cùng với các nước châu Âu ủng hộ nghị quyết hối thúc Iran hợp tác với IAEA của Liên hợp quốc, bất chấp Tehran cảnh báo động thái này sẽ làm xói mòn những nỗ lực ngoại giao.
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, báo cáo mới nhất của IAEA đã nêu ra những mối lo ngại Iran không thể đưa ra câu trả lời đáng tin cậy đối với những nghi vấn của cơ quan có trụ sở tại Vienna (Áo). Washington nhấn mạnh, Iran cần tuân thủ đầy đủ những nghĩa vụ mang tính ràng buộc về mặt pháp lý của nước này theo quy định của Hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Nhiều hãng thông tấn quốc tế đưa tin, Mỹ, Pháp, Anh và Đức đang hối thúc Hội đồng Thống đốc IAEA gây áp lực với Tehran vì Iran chưa giải đáp được những nghi vấn lâu nay của cơ quan này về những dấu vết urani được tìm thấy tại 3 cơ sở Marivan, Varamin và Turquzabad.
Một “nút thắt” khác có thể khiến phương Tây cứng rắn hơn với Iran là thông tin về kho dự trữ urani làm giàu của Iran. Cụ thể, tính tới giữa tháng 5, Iran đã tăng tổng dự trữ urani làm giàu lên 3.809,3kg, gấp hơn 18 lần mức trần mà nước này cam kết theo thỏa thuận là 202,8kg. Đáng chú ý, lượng urani làm giàu ở mức 20% lên 238,4kg, đồng thời sở hữu 43,1kg urani làm giàu ở mức 60%. Đây là cấp độ làm giàu vượt xa so với mức 3,67% được quy định trong thỏa thuận năm 2015.
Phản ứng trước những động thái trên, Iran cho rằng IAEA không công bằng. Đây là một trong những vấn đề làm đình trệ tiến trình đàm phán giữa Iran và phương Tây về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015. Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố, Tehran sẽ đáp trả bất kỳ hành động không mang tính xây dựng nào tại cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 6-6 của Hội đồng Thống đốc IAEA.
Khởi động từ tháng 4-2021 tại Vienna (Áo), cuộc đàm phán nhằm khôi phục JCPOA đến nay đã diễn ra 8 vòng. Tham gia đàm phán trực tiếp có đại diện của: Iran, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức, trong khi Mỹ chỉ đàm phán gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU). Dù được đánh giá là đạt tiến triển, song rào cản lớn nhất để khôi phục thỏa thuận này chính là lập trường cứng rắn của cả Mỹ và Iran. Cụ thể, Mỹ vẫn theo đuổi cách tiếp cận Iran phải tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận trước, rồi mới xem xét dỡ bỏ cấm vận. Ngược lại, Iran cương quyết bảo vệ quan điểm là các lệnh trừng phạt phải được dỡ bỏ trước khi tiến hành đàm phán. Tehran yêu cầu việc khôi phục đầy đủ mức xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm công nghiệp phải được thực hiện trước khi nước này quay trở lại tuân thủ hoàn toàn JCPOA. Việc Mỹ và Iran theo đuổi cách tiếp cận trái chiều này cho thấy lòng tin giữa các bên vẫn chưa được thiết lập.
Theo kế hoạch, Hội đồng Thống đốc IAEA sẽ nhóm họp vào ngày 6-6 tới để bàn nội dung của dự thảo nghị quyết về vấn đề Iran, qua đó đề nghị Iran phải hợp tác đầy đủ với IAEA. Trong khi những bế tắc cũ chưa được khai thông, nếu nghị quyết được thông qua sẽ là một "nút thắt" mới đối với tiến trình hồi sinh JCPOA. Sự gia tăng căng thẳng giữa các bên còn đe dọa hủy hoại những nỗ lực ngoại giao mà châu Âu triển khai hơn một năm qua để đưa các bên vào bàn đàm phán. Khi JCPOA đình trệ, an ninh tại khu vực này tiếp tục là mối lo đối với sự ổn định và hòa bình thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết