Tiếp nối truyền thống tự hào

- 50 năm đã đi qua nhưng chiến thắng 30-4-1975 và không khí hào hùng của những năm tháng ấy như vẫn còn đây, không ngừng truyền lửa tới các tầng lớp Nhân dân. Dấu ấn về Ngày đại thắng năm ấy đã trở thành động lực cho toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết, vươn lên đưa đất nước ngày càng phát triển.

Những hồi ức đặc biệt

Những hồi ức về một thời hào hùng một lần nữa sống dậy qua hành trình thăm lại chiến trường xưa của những người chiến sỹ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Hội Cựu chiến binh tỉnh tổ chức. Ông Nguyễn Thế Liêm, tổ 7, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang), Cựu chiến sĩ trinh sát Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, người trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đối với tôi, chuyến đi không chỉ đơn thuần là một chuyến thăm. Đây là dịp để tôi nhớ lại những ký ức hào hùng của một thời tuổi trẻ, những chiến công lừng lẫy hay những đau thương mất mát đã qua. Chúng tôi đi để ngắm nhìn quê hương, để thấy hòa bình đẹp đến nhường nào”.

Những ký ức như thước phim quay chậm vẫn nguyên vẹn trong ông Liêm, ông như sống lại thời khắc hào hùng của lịch sử dân tộc 50 năm về trước. Ông Liêm bồi hồi nhớ lại: “Sáng 30-4, đơn vị của tôi được giao nhiệm vụ đánh địch tại ngã tư Trung Hiền. Khoảng 11 giờ ngày 30-4, mũi xung kích ôm súng AK tiến công trên đường băng, tôi quan sát xung quanh thấy mấy dãy nhà có một lá cờ nửa xanh nửa đỏ, tôi đoán đó là vị trí Trại Davis.

Thế hệ trẻ phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) tìm hiểu về cuộc chiến tranh kháng chiến chống Mỹ qua lời kể của các Cựu chiến binh.

Đây là nơi ở và làm việc của Phái đoàn Liên hiệp quân sự 4 bên giám sát thi hành Hiệp định Paris, trong đó có đoàn cán bộ chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đơn vị tôi nhận lệnh tiếp tục di chuyển về hướng Tây sân bay, bảo vệ vòng ngoài phái đoàn quân sự 4 bên. Sau những loạt bắn xối xả, khi tiếng súng ngừng bắn, bóng cờ đỏ sao vàng không chỉ bay trên nóc Dinh Độc Lập mà còn xuất hiện ở đỉnh các tháp nước, trên tay bộ đội ta. Khi nghe tin hòa bình, cả đơn vị ôm nhau cười, khóc, những tiếng reo hò quyện cùng tiếng súng mừng chiến thắng vang trời”.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Tuyên Quang luôn đồng lòng chung sức chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Đã có hơn 46.000 lượt thanh niên của tỉnh lên đường tham gia các chiến dịch lớn. Chi viện hơn 8.000 tấn lương thực, thuốc men, vật dụng y tế phục vụ chiến trường.

Nhiều phong trào thi đua rộng khắp như: Ba sẵn sàng trong thanh niên, tình nguyện lên đường, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu; Năm xung phong trong phụ nữ, xung phong tòng quân, sản xuất giỏi, nuôi con khỏe, giữ gìn an ninh; Tất cả vì miền Nam ruột thịt, gửi thư, mũ áo, khăn tay, lương thực ra tiền tuyến; Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người, phương châm hành động của nhân dân toàn tỉnh.

Đổi thay sau 50 năm thống nhất

Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống yêu nước, từ một tỉnh còn nhiều khó khăn, Tuyên Quang hôm nay đang nỗ lực vươn mình để trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững và bao trùm trong khu vực. Các chính sách hướng tới người dân, sự tinh gọn trong bộ máy hành chính và những nỗ lực không ngừng trong đổi mới sáng tạo đã nhận được sự đồng thuận lớn trong nhân dân.

Tinh thần “Thần tốc, táo bạo hơn nữa” của chiến dịch Hồ Chí Minh 50 năm trước đang được áp dụng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính. Các cấp trung gian được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Đội ngũ cán bộ, công chức được chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Sự tận tâm, trách nhiệm của đội ngũ này đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền. Ngày 20-4 vừa qua, 100% người dân toàn tỉnh đã đồng thuận với đề án sáp nhập tỉnh và đề án sáp nhập các phường, xã, thị trấn trong tỉnh. 

Các em học sinh trường THPT Nguyễn Văn Huyên (TP Tuyên Quang) biểu diễn văn nghệ trong buổi Giao lưu Kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt nửa thế kỷ qua, Tuyên Quang luôn kiên định với các chính sách lấy người dân làm trung tâm trong phát triển kinh tế, xã hội. Các chương trình an sinh xã hội được triển khai sâu rộng, từ hỗ trợ nhà ở, y tế, giáo dục đến tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến 30-8-2025, xóa 6.928 nhà tạm, nhà dột nát. Hạ tầng cơ sở được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các vùng kinh tế như: Hoàn thành xây dựng tuyến đường Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, dự kiến thông xe trong năm 2025. Góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và phát triển kinh tế, du lịch.

Trên các phương tiện truyền thông, những câu chuyện về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng được lan tỏa rộng rãi. Báo chí, truyền hình, radio và các trang mạng xã hội đã trở thành những “cánh tay nối dài”, đưa những tấm gương anh hùng, những câu chuyện xúc động đến gần hơn với cộng đồng. Bà Phùng Thị Hợp, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Mỗi năm đến tháng 4, những câu chuyện về cuộc chiến chống Mỹ của dân tộc được nhắc đến như nhắc nhở mỗi chúng ta trân trọng cuộc sống hòa bình như hôm nay. Tôi vẫn thường kể lại cho các con, các cháu nghe về dư âm của ngày chiến thắng, để các con, các cháu mình hiểu, trân quý độc lập ngày hôm nay và phấn đấu trong lao động, học tập”.

Câu chuyện từ quá khứ được kể lại bởi chính những nhân chứng lịch sử, những cựu chiến binh đã trở thành sợi dây nối quá khứ với hiện tại. Toàn tỉnh đã tổ chức hơn 300 buổi tọa đàm, sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống, văn nghệ quần chúng, chiếu phim tài liệu về chiến thắng lịch sử 30-4. Ở mỗi buổi nói chuyện hay các diễn đàn, nơi những kỷ niệm, những mất mát, những chiến công được sẻ chia, đã chạm đến trái tim của biết bao các em học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, khơi dậy trong họ lòng biết ơn và sự ngưỡng mộ về một thời oanh liệt.

Chị Lê Trang Linh, Bí thư đoàn phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Lắng nghe những câu chuyện kể từ các cựu chiến binh đã giúp đoàn viên, thanh niên hiểu rõ hơn về sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chắc chắn qua cuộc nói chuyện này, đoàn viên, thanh niên sẽ phải phấn đấu nhiều hơn tiếp tục viết tiếp những trang sử vàng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh”.

Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng cũng được triển khai rộng khắp. Qua đó, góp phần củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không chỉ là dịp để ôn lại lịch sử, mà còn là động lực để toàn dân đoàn kết, chung sức vượt qua khó khăn, đồng lòng tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trang Hoàng

Tin cùng chuyên mục