Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Lan tỏa kết quả Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cơ bản thống nhất với Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 4 của Tổng Thư ký Quốc hội.
Đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, căn cứ vào ý kiến thảo luận tại phiên họp, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, và tổng hợp ý kiến tiếp xúc cử tri, để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 4.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả của Kỳ họp thứ 4 cho thấy hoạt động của Quốc hội tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng cả về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia và giám sát tối cao. Kỳ họp đã giải quyết một khối lượng lớn công việc với thời gian được rút ngắn hơn so với thông lệ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng.
Chất lượng kỳ họp được tăng cường theo hướng phát huy dân chủ và tăng tính pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong suốt quá trình chuẩn bị cũng như diễn ra kỳ họp. Tinh thần này lan tỏa từ kết quả của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sang cả hệ thống chính trị, trước hết là hoạt động của Quốc hội.
Khẳng định vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội
Tổng kết ngắn gọn về Kỳ họp thứ 4, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ không có một ý kiến nào của đại biểu Quốc hội mà không được tổng hợp, tiếp thu, giải trình một cách kỹ lưỡng, kể cả ý kiến ở tổ lẫn ý kiến ở hội trường. Trước khi biểu quyết thông qua mỗi dự án luật, đều có văn bản của Chính phủ thể hiện sự đồng tình, thống nhất.
“Điều này thể hiện Quốc hội rất cầu thị, lắng nghe, và càng khẳng định vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Về nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội cho biết, với khối lượng công việc dự kiến, đề nghị Chính phủ bám sát hơn chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, có thể nghiên cứu bổ sung thêm một số dự án luật cho ý kiến lần đầu thay vì chỉ 6 dự án luật theo như đề xuất đã nêu trong Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội.
Liên quan đến phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần nghiên cứu xem kỳ họp tháng 5 hay tháng 10/2023 nên tiến hành chất vấn lại những nội dung đã có nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ, hay chất vấn những nội dung mới.
Một số vấn đề cấp bách, nóng không được chọn chất vấn có thể kết hợp thảo luận ở phiên thảo luận về kinh tế-xã hội. “Chưa bao giờ số lượng Phó Thủ tướng và thành viên Chính phủ tham gia phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội lại nhiều như tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua”, Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Kỳ họp bất thường chỉ xem xét những vấn đề cấp bách, đáp ứng ngay yêu cầu cuộc sống
Về tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 2 của Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, việc triệu tập kỳ họp bất thường được thực hiện theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của các chủ thể như: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, hoặc 2/3 số đại biểu Quốc hội kiến nghị.
Đồng thời, chỉ xem xét, quyết định những vấn đề cấp bách, thiết thực, đáp ứng ngay yêu cầu của cuộc sống, đã đủ rõ và được chuẩn bị kỹ lưỡng. Những gì chưa cấp bách, kể cả cấp bách mà chuẩn bị chưa kỹ càng cũng không đủ điều kiện để triệu tập kỳ họp bất thường.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Chủ tịch Quốc hội thống nhất cao với 4 nội dung Chính phủ đề nghị trình tại tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 gồm: xem xét, quyết định Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch; xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); xem xét việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; đề xuất một số cơ chế, chính sách cho ngành y tế trong khi đang chờ đợi sửa Luật Dược và một số luật có liên quan; và một số vấn đề cấp bách khác về tài chính, ngân sách.
Thống nhất thời gian diễn ra Kỳ họp bất thường lần thứ 2 là trong tuần đầu tiên của tháng 1/2023, ngay sau nghỉ Tết dương lịch, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục cân nhắc lựa chọn 1 trong 2 phương án: họp trực tuyến (tập trung đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và kết nối với các điểm cầu tại địa phương) hoặc họp tập trung tại Nhà Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu, Tổng Thư ký Quốc hội khẩn trương có văn bản đề nghị Chính phủ, các cơ quan tổ chức hữu quan xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các luật và nghị quyết đã được Quốc hội thông qua và xây dựng kế hoạch để triển khai trong thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các dự án luật, nghị quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng trong sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự 2 bên (Thỏa thuận Coca). Ngoài ra, xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết