Hiệu quả từ việc luân chuyển cán bộ
Xã Thượng Nông là một trong những xã khó khăn của huyện Na Hang, tuy vậy trong những năm gần đây kinh tế-xã hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện. Sự thay đổi của Thượng Nông gắn liền với việc thực hiện chủ trương của Đảng về luân chuyển cán bộ, bố trí người đứng đầu cấp ủy xã, thị trấn không phải là người địa phương.
Năm 2019, đồng chí Lương Xuân Hướng, Chánh Văn phòng Huyện ủy Na Hang được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông. Tiếp nhận cương vị Bí thư Đảng ủy xã, đồng chí Lương Xuân Hướng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội; đẩy mạnh thực hiện các mô hình kinh tế sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đến nay, toàn xã đã có trên 34 ha diện tích đất trồng lúa nếp. Sản phẩm gạo nếp Khẩu Pái, Khẩu Láng của xã Thượng Nông đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Cùng với đó sản phẩm nông nghiệp đặc sản như: chè Shan tuyết, rượu ngô men lá, thịt lợn đen... đã được bà con chú trọng sản xuất đem lại thu nhập cao.
Đồng chí Dương Chí Thành (ngoài cùng bên phải), Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam (Sơn Dương) là cán bộ luân chuyển từ xã Ninh Lai, kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao thôn Thác Nóng.
Năm 2019, đồng chí Triệu Tiến Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lâm Bình được điều động đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, sau đó được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Minh cùng BCH Đảng bộ xã xây dựng riêng nghị quyết chuyên đề về phát triển cây trồng vật nuôi, giảm nghèo bền vững. Từ đó, nhiều mô hình kinh tế mới như trồng lúa đặc sản, nuôi trâu nhốt chuồng, nuôi dê, cá chép ruộng, nuôi dúi... được nhân dân trong xã triển khai hiệu quả đem lại thu nhập cho người dân.
Ở rất nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh sau khi thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ cho thấy rõ, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng Đảng, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cán bộ luân chuyển đến đã triển khai công việc quyết liệt, khách quan, sát với thực tiễn, không bị tác động, ảnh hưởng, hay ràng buộc bởi các mối quan hệ họ hàng, dòng tộc. Hầu hết đội ngũ cán bộ được luân chuyển đều vượt qua khó khăn ban đầu, tiếp cận nhanh với môi trường làm việc mới, phát huy tính sáng tạo, năng động, thể hiện được vai trò lãnh đạo, được đảng viên, nhân dân địa phương đồng tình, tín nhiệm cao.
Tiếp tục có thêm các giải pháp
Nhận thấy rõ những hiệu quả tích cực từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác luân chuyển cán bộ, bố trí người đứng đầu cấp ủy cấp xã, thị trấn không phải là người địa phương các huyện ủy, thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, nâng tỷ lệ người đứng đầu cấp ủy cấp xã, thị trấn không phải là người địa phương qua các năm. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, hiện nay, trên 80% số bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh được luân chuyển từ huyện xuống xã hoặc không phải là người địa phương.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng trong công tác luân chuyển, điều động cán bộ, song do số đơn vị hành chính ít nên số cán bộ được thực hiện luân chuyển, điều động còn hạn chế, nhất là luân chuyển cán bộ trẻ trong quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo các chức danh trong quy hoạch. Luân chuyển giữa ngành này sang ngành khác, huyện này sang huyện khác và từ xã này sang xã khác mới được thực hiện ở một số ít đơn vị; chưa kịp thời thay thế điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu.
Để nâng cao hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ, tháng 12/2022 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định 12/QĐ/TU về luân chuyển cán bộ; tháng 3-2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Đề án về công tác luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã bổ sung những điểm mới, tập trung trực tiếp giải quyết những hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ. Quy định số 12-QĐ/TU đặc biệt nhấn mạnh, cơ quan nơi đến phải chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm bố trí công tác, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường; quản lý, đánh giá cán bộ trong thời gian luân chuyển; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 100% việc bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương; từng bước bố trí các chức danh Chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ chú trọng luân chuyển đối với cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi), cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, có phẩm chất đạo đức tốt, được đào tạo cơ bản, có năng lực nổi trội, triển vọng đào tạo và trong quy hoạch.
Việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định mới và xây dựng Đề án về luân chuyển cán bộ sẽ từng bước khắc phục tình trạng bị động trong công tác cán bộ; vừa có thể tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, lại hạn chế được tình trạng sử dụng, bố trí cán bộ đảm nhiệm chức vụ quá lâu ở một vị trí công tác. Qua đó, góp phần đổi mới công tác cán bộ, xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết