Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại cuộc gặp và làm việc với VAA (Ảnh: VGP)
Tại buổi gặp mặt, PGS, TS Đoàn Văn Thanh, Chủ tịch VAA; GS, TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Chủ tịch VAA cùng đại diện một số doanh nghiệp hội viên đã báo cáo về quá trình xây dựng và phát triển của Hiệp hội, cũng như tình hình hoạt động của Hiệp hội trong thời gian qua, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị.
Theo đó, qua gần 30 năm xây dựng và phát triển những doanh nghiệp thuộc hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán không ngừng lớn mạnh. Hiện hội có hơn 10.000 hội viên, phát triển rộng tại các địa phương, cơ sở đào tạo; tham gia Liên hiệp hội Kế toán các nước ASEAN,…
Hiệp hội đã có nhiều hoạt động phát huy vai trò tích cực trong việc cung cấp dịch vụ, hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản trị, ngăn ngừa rủi ro, hoạt động đúng quy định của pháp luật; tham vấn cho các quyết sách của các cấp có thẩm quyền, góp phần vào sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh…
Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sớm kiện toàn hệ thống quy định pháp luật về hoạt động của hội, của ngành kế toán, kiểm toán; chuẩn mực kế toán, kiểm toán… nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi cho các hiệp hội nghề nghiệp và doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp kiểm toán, kế toán và thị trường kế toán, kiểm toán Việt Nam nói riêng phát triển bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh; Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú; Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung; đại diện Bộ Tài chính đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động kế toán, kiểm toán đối với doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Các ý kiến cho rằng, mối quan hệ giữa ngân hàng và kiểm toán “như 2 chị em”. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng bắt buộc hằng năm phải kiểm toán để hoạt động đúng đắn, an toàn lành mạnh. Kiểm toán là ngành “đi sau về hoạt động, nhưng kết quả thì về trước” để giúp các doanh nghiệp phòng tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả hoạt động. Hoạt động kiểm toán còn có ý nghĩa quan trọng giúp các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán.
Đại diện các bộ ngành cho rằng, kế toán, kiểm toán là lĩnh vực hội nhập rất sớm và không ngừng phát triển. Đóng góp vào sự phát triển chung của các doanh nghiệp và nền kinh tế đất nước. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có cơ chế để hỗ trợ các công ty kế toán, kiểm toán Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp kế toán, kiểm toán 100% vốn nước ngoài.
Lãnh đạo các bộ, ngành “đặt hàng” Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp lý cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán; nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác kế toán, kiểm toán để nâng cao chất lượng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp;…
(Ảnh: VGP)
Phát biểu tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp hiệu quả của ngành kế toán và kiểm toán vào thành công chung của nền kinh tế Việt Nam; nhấn mạnh, kế toán và kiểm toán đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư và làm lành mạnh hóa các quan hệ kinh tế, giúp cho nền tài chính kinh tế của quốc gia ngày càng minh bạch và vững bền.
Theo Phó Thủ tướng, mọi hoạt động của các tổ chức có liên quan dòng chảy kinh tế, phát sinh về kinh tế đều phải có công tác kế toán. Kế toán là một nghề chuyên môn sâu, tuy nhiên thông tin kế toán chưa được tin cậy một cách hoàn toàn, do đó phải hình thành tổ chức kiểm tra, kiểm toán.
Sau khi được hình thành, ngành kiểm toán đã phát triển mạnh mẽ, song hành cùng với kế toán, tiếp cận những thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam, hoạt động rất hiệu quả, đầy đủ, toàn diện, giúp cho nhà đầu tư, xã hội, nhà quản lý, lãnh đạo nhìn nhận, đánh giá những thông tin đầy đủ, trung thực, khách quan để quyết định đầu tư, quyết định quản lý đúng đắn, hiệu quả và hiệu lực.
Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác kế toán và kiểm toán đã thực hiện đầy đủ chức năng của tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan và hoạt động hội nhập quốc tế rất sâu rộng, rất sớm, rất mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng mong muốn, trong thời gian tới, VAA tiếp tục phát huy những thành tích, ưu điểm, tôn chỉ, mục đích của nghề kế toán, kiểm toán theo quy định pháp luật để làm tốt hơn nữa, góp phần xây dựng hình ảnh và uy tín của kế toán viên, kiểm toán viên, nâng cao uy tín của Hiệp hội không chỉ trong nước, mà được các tổ chức quốc tế thừa nhận.
Nêu một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó có vấn đề đạo đức nghề nghiệp, đạo đức hành nghề của kiểm toán viên, kế toán viên và chất lượng của báo cáo kiểm toán, báo cáo kế toán, Phó Thủ tướng chỉ rõ, báo cáo kế toán tổng hợp thông tin về kinh tế phát sinh tại một thời điểm (thường là cuối năm), phản ánh “sức khỏe” của tổ chức, doanh nghiệp. Nếu phản ánh không đúng sẽ dẫn đến sai lệch. “Với người ốm thì mình phản ánh là người khỏe. Còn với người đang khỏe mạnh, nếu mình không thích lại thể hiện trong đó là hình ảnh của một người đang ốm mà cho thuốc thì chết! Còn với người ốm mà báo cáo là khỏe, không có thuốc thang, phương thức chữa trị kịp thời thì vài hôm cũng chết”, Phó Thủ tướng ví von.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có hai vấn đề đối với người làm kế toán, kiểm toán, một là năng lực, hai là đạo đức. Với người chưa biết làm hoặc làm chưa giỏi thì phải đào tạo, bồi dưỡng, nhưng với những người đã biết mà vẫn làm sai thì đây là vấn đề thuộc về đạo đức nghề nghiệp.
Theo Phó Thủ tướng, đa số người làm kế toán, kiểm toán viên là tốt, nhưng đâu đó vẫn còn có những người chưa tốt nên đã để xảy ra một số việc trong các vụ án liên quan đến lĩnh vực tư vấn này. Chính vì vậy, nếu để tồn tại lâu dài, không khắc phục triệt để thì uy tín của của Hiệp hội sẽ bị ảnh hưởng và không thể hoạt động hiệu quả.
Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải hết sức lưu ý đến việc gìn giữ uy tín của Hiệp hội; tiếp tục tập hợp lực lượng đông đảo hơn nữa những người làm công tác kế toán, kiểm toán, hiệp hội cũng cần rà soát chặt chẽ, đảm bảo các hội viên hoạt động nghề nghiệp theo đúng tôn chỉ, mục đích và tiêu chuẩn, để các hoạt động kinh tế, tài chính được thực hiện với một lực lượng có chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là phải am hiểu và chấp hành quy định của pháp luật, giữ uy tín cho Hiệp hội. “Đây là vấn đề rất quan trọng!” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng, thành viên Hiệp hội có nhiều người đã từng giữ những vị trí lãnh đạo các ngành, lĩnh vực cao trong nhà nước, có nhiều kinh nghiệm, nhiều đóng góp, cần tiếp tục đóng góp trong xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển kế toán và kiểm toán đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 5/2022.
Trong đó, quan tâm đến các nội dung như quy trình chuẩn mực kế toán, kiểm toán, chuyển đổi số bằng dữ liệu quốc gia, ban hành một số luật về kế toán, kiểm toán độc lập, phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán, các hội nghề nghiệp; đào tạo phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán;... Hiệp hội với tư cách là những người làm kế toán có năng lực, có đạo đức, có trách nhiệm, cần tham gia vào hoạt động ý nghĩa này.
Gửi phản hồi
In bài viết