Tiếp tục rà soát để bảo đảm tính khả thi và tương thích với các điều ước quốc tế

Sáng 16/8, tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Nhấn mạnh đây là một trong những dự án luật được dư luận, cử tri và nhân dân rất quan tâm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung: hành vi bạo lực gia đình, biện pháp cấm tiếp xúc theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Tòa án, bổ sung biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp xã…

Bảo đảm tính khả thi của Luật đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam

Trình bày báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với dự thảo Luật nhưng đề nghị đánh giá tính khả thi và bổ sung các quy định để bảo đảm áp dụng được đối với nhóm đối tượng người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định về đối tượng áp dụng là không cần thiết.

Góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng không quy định đối tượng áp dụng mà mặc định áp dụng với tất cả các đối tượng, kể cả người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần làm rõ có cần liên hệ các cơ quan đại diện ngoại giao khi tiến hành các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam hay không.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Liên quan nội dung trên, Thường trực Ủy ban Xã hội nêu rõ, thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cho thấy các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời gian gần đây không có điều riêng về đối tượng áp dụng mà luật áp dụng chung cho tất cả “mọi người” trừ trường hợp đối tượng áp dụng có tính đặc thù. Do vậy, việc không quy định đối tượng áp dụng trong dự thảo Luật không ảnh hưởng đến việc áp dụng các quy định của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bỏ Điều 2 của dự thảo Luật do Chính phủ trình, đồng thời bổ sung quy định giao Chính phủ quy định việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình như thể hiện tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật.

Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội sẽ phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung quy định để tăng tính khả thi của Luật này đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam.

Đánh giá kỹ tác động của biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng

Điều 22 của dự thảo Luật quy định rõ các biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, trong đó có biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng cần quy định rõ cách thức tổ chức thực hiện để bảo đảm tính khả thi, cũng như bảo đảm đây không phải biện pháp cưỡng bức lao động bị cấm theo quy định của các điều ước quốc tế.

Quang cảnh phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu làm rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là bước đột phá của dự thảo Luật, được thiết kế theo hướng là biện pháp mang tính chất tự quản tại cộng đồng nhiều hơn và xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết sẽ bổ sung thêm hoạt động giám sát của cộng đồng trong dự thảo Luật, do đó biện pháp này sẽ mang tính cộng đồng là chính và khác với hình thức lao động trong thi hành án đối với người bị phạt cải tạo không giam giữ.

Tham gia góp ý tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo và thẩm tra sau Kỳ họp thứ 3 đã phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan hữu quan tổ chức tham vấn, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Lưu ý biện pháp thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là vấn đề mới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần đánh giá kỹ hơn tác động, rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm quy định tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhất là Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)

Chủ tịch Quốc hội đề xuất bổ sung một điều khoản loại trừ đối với biện pháp nói trên, không áp dụng đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 6 tháng tuổi, người già yếu, người khuyết tật nặng… Ngoài ra, cần lấy thêm ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về nội dung trên.

Về ưu đãi dành cho cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chỉnh sửa cụm từ “được miễn, giảm thuế, phí” thành “được ưu đãi thuế, phí và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật” (như ưu đãi tiếp cận tín dụng, đất đai…).

Cho rằng người bị bạo lực gia đình phải nhận hậu quả sang chấn tâm lý rất nặng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất bổ sung trong dự án Luật quy định về tư vấn, điều trị sang chấn tâm lý đối với các đối tượng bị tác động.

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số nội dung khác như biện pháp góp ý, phê bình và thành phần góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; các hành vi bạo lực gia đình; công tác hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình; thủ tục, quy trình báo cáo các vụ bạo lực gia đình; chính sách Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình…

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục